(MPI Portal) – Ngày 03/11/2015, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi tiếp ông Nakagaki Yoshihiko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản (FEC) cùng các thành viên của FEC là đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản sang tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam.
|
Ông Nakagaki Yoshihiko tại buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại buổi tiếp, ông Nakagaki Yoshihiko cho rằng, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt trên chính thị trường Việt Nam. Do vậy, để biến những thách thức thành cơ hội, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Ông Nakagaki Yoshihiko cũng mong muốn Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về mục tiêu chính sách của 6 ngành ưu tiên phát triển trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, những cải cách của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, trong đó có mặt hàng lúa gạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Chia sẻ về những vấn đề ông Nakagaki Yoshihiko quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2015-2016, việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và triển vọng ký, triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao như Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và TPP sẽ là những bước chuyển đổi quan trọng để môi trường kinh doanh Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Việc hội nhập sẽ có tác động phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tăng trưởng xuất, nhập khẩu, thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, cải thiện môi trường pháp lý, kinh doanh theo chuẩn các nước tiên tiến. Khi thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong nội khối hầu hết các mặt hàng về mức 0% sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư tại Việt Nam, có dòng đầu tư lớn vào Việt Nam. Những ngành có khả năng phát triển nhiều nhất là: Dệt may, da giày, đồ gỗ, lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, các sản xuất nông sản nhiệt đới, chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống và phát triển các dịch vụ như du lịch, giáo dục đào tạo, logistics. Bên cạnh đó, hội nhập cũng tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu không chủ động, kịp thời, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
|
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ triển khai 6 ngành công nghiệp ưu tiên gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Về phát triển ngành nông nghiệp, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn với chống biến đổi khí hậu và tranh thủ thị trường khi gia nhập TPP. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới về số lượng, nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Để khắc phục những vấn đề này, Việt Nam đang tiến hành cải cách giống lúa, cơ giới hóa để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra thương hiệu gạo.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đây là một trong những vấn đề then chốt của Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu một tỷ lệ lớn các linh kiện và bán thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa thấp dẫn đến hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển ngành này, trong đó có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2016./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư