(MPI Portal) - Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10/2015, số doanh nghiệp được thành lập mới là 9.195 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 65.155 tỷ đồng, tăng 30,6% về số doanh nghiệp và tăng 46,4% về số vốn đăng ký so với tháng 9 năm 2015.
|
Ảnh: Internet
|
Trong tháng 10/2015, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 12,1% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 157,9 nghìn lao động, tăng 25,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động của cả nước là 679 doanh nghiệp, tăng 1,0% so với tháng 9/2015. Số doanh nghiệp gặp khó khăn là 13.818 doanh nghiệp, tăng 46,4% so với tháng trước, trong đó: 1.520 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 12.298 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Số doanh nghiệp trước tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký nay quay trở lại hoạt động trên cả nước là 3.350 doanh nghiệp, tăng 121,1% so với tháng 9 năm 2015.
Trong 10 tháng năm 2015, cả nước có 77.542 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 486.088 tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 37,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.223.903 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 486.088 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 737.815 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.157,1 nghìn lao động, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 10 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 chia theo vùng lãnh thổ cho thấy duy nhất khu vực Tây Nguyên là có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm. Các khu vực khác đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, bao gồm các khu vực là Đồng bằng Sông Hồng tăng 34,1%, tiếp đến là Đông Nam Bộ tăng 31,5%, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tăng 28,8%, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 26,3% và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 22%.
Trong 10 tháng năm 2015, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ở tất cả các ngành so với cùng kỳ năm 2014, một số ngành có tỷ lệ tăng cao, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 87%; Kinh doanh bất động sản tăng 86,8%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 69,4%; Vận tải kho bãi tăng 47,3%; Dịch vụ việc làm; Du lịch; Cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 36,6%; Xây dựng tăng 36,1%; Khoa học, công nghệ; Dịch vụ tư vấn, thiết kế; Quảng cáo và chuyên môn khác tăng 35,2%.
Trong 10 tháng năm 2015, phân theo ngành, lĩnh vực hoạt động cho thấy số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các ngành so với cùng kỳ năm trước là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 73,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 65,7%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 63,9%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 63,7%; Thông tin và truyền thông tăng 41,5%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 39,4%; Giáo dục và đào tạo tăng 38,9%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga tăng 37,1%.../.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư