Chính phủ Thái Lan mới đây đã thông qua các khoản trợ cấp nông nghiệp tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD, chủ yếu hỗ trợ ngành lúa gạo và cao su. Động thái này được cho là sự trở lại các chính sách dân túy của chính phủ tiền nhiệm bị lật đổ.
Gạo được bày bán tại một khu chợ ở Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu với báo giới ngày 5/11, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha thừa nhận "không thể từ bỏ các biện pháp dân túy, song cần áp dụng tốt hơn, thấu đáo hơn và công bằng hơn."
Ông khẳng định chính sách trợ cấp chính phủ của ông thực hiện sẽ tốt hơn so với chính phủ tiền nhiệm.
Chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayut đứng đầu đã cam kết bãi bỏ các khoản trợ cấp cho nông dân bị cho là tốn kém mà chính phủ dân sự tiền nhiệm của Thủ tướng Yingluck Shinawatra áp dụng.
Tuy nhiên, 17 tháng sau khi chính quyền của bà Yingluck bị lật đổ và quân đội lên nắm quyền, thu nhập ở khu vực nông thôn Thái Lan (nơi có hơn 34 triệu người sinh sống) đã sụt giảm mạnh do giá lương thực thế giới giảm và xuất khẩu yếu, khiến người nông dân kêu gọi áp dụng trở lại chính sách trợ cấp.
Tuần trước, Chính phủ Thái Lan đã thông qua các biện pháp trị giá 1 tỷ USD để giúp người trồng lúa và gói trợ cấp trị giá 365 triệu USD giúp người trồng cao su.
Theo chính sách trợ giá gạo của chính quyền Thủ tướng Yingluck, chính phủ mua gạo của nông dân với giá cao gấp đôi giá trên thị trường thế giới. Chính sách này bị cáo buộc gây thiệt hại ngân sách 14 tỷ USD.
Bà Yingluck cũng duyệt chi 620 triệu USD để xây dựng các kho dự trữ cao su trong khuôn khổ chương trình trợ giá nông nghiệp.
Hồi tháng 1/2015, một ủy ban do chính quyền quân sự bổ nhiệm đã buộc tội bà Yingluck lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo, gây rối loạn thị trường./.