Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) Ngày 6/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục xúc tiến Thương mại và Đầu tư Iceland tổ chức hội thảo “Xây dựng thành công ngành đánh bắt cá và chế biến thủy sản-Bài học của Iceland”.
Tham dự có Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson cùng nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Iceland.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho biết ngành đánh bắt và chế biến thủy sản là thế mạnh của Iceland với rất nhiều lợi nhuận.
Hiện Iceland có nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao và phương thức hiện đại để biến ngành này trở thành ngành có công nghệ cao nhất, tiến bộ nhất, đóng góp nhiều cho nền kinh tế của Iceland.
Chia sẻ về sự phát triển ngành đánh bắt và chế biến thủy sản của Iceland từ thô sơ đến hiện đại, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cho rằng sự phát triển này mang lại giá trị gia tăng rất cao.
Thách thức lớn nhất không phải khai thác nhiều cá hay không mà quan trọng là tăng được chất lượng, giá trị thương mại của đàn cá.
Nhiều nước đã loại bỏ các phần thừa của cá như đầu, bụng, ruột, da … nhưng Iceland đã tận dụng được các sản phẩm thừa này để tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Da cá có thể phát triển thành những sản phẩm chữa lành các vết thương cho con người, hay các phần thừa được áp dụng công nghệ để biến thành năng lượng nhiệt.
Điều này đã giúp Iceland trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới về đánh bắt và chế biến thủy sản, các sản phẩm từ cá được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson, đây là thời điểm tốt để Việt Nam và Iceland hợp tác, phát triển ngành đánh bắt và chế biến thủy sản, giúp khai thác được các tiềm năng vốn có của Việt Nam, mang lại lợi nhuận cao cho ngành đánh bắt và chế biến thủy sản.
Trong những năm qua, ngành đánh bắt và chế biến thủy sản Việt Nam luôn có mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 15%, đóng góp nhiều cho hoạt động xuất khẩu và GDP của cả nước.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết đây là ngành có triển vọng và tiềm năng cao, nhưng chưa phát triển mạnh do tàu thuyền công suất thấp, các trang thiết bị đánh bắt, khai thác còn thô sơ.
Iceland có thế mạnh về đánh bắt và chế biến thủy hải sản cùng trình độ công nghệ kỹ thuật hiện đại, do đó khi hợp tác với Việt Nam sẽ giúp khai thác các tiềm năng để mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, ngành thủy sản Việt Nam có bước phát triển vượt bậc và có giá trị xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, những tổn thất trong quá trình khai thác và sau thu hoạch thủy sản còn khá cao, ở mức khoảng 25-30% sản phẩm khai thác.
Do vậy, những kinh nghiệm của Iceland sẽ giúp các nhà quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được những bài học về điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường cũng như việc bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị của thủy sản.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và chế biến thủy sản của Iceland cũng chia sẻ những kinh nghiệm để giúp các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông thủy hải sản.
Đồng thời, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xúc tiến, chuyển giao công nghệ, xây dựng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác Iceland./.
Vũ Tiến Lực
TTXVN/Vietnam+