(MPI Portal) – Ngày 23/11/2015, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách”.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Theo kết quả dự báo dân số giai đoạn 2009-2049 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2011, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ hội dân số vàng” từ năm 2007 và dự kiến kéo dài đến năm 2041. Đây là tiền đề quan trọng để các quốc gia có thể tận dụng, khai thác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững kinh tế đất nước. Đối với một nước đang phát triển còn rất thiếu vốn để phát triển như Việt Nam, việc nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ phục vụ tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu quá trình biến đổi cơ cấu tuổi của dân số và tác động tới tăng trưởng kinh tế nhằm đưa ra các khuyến nghị, giải pháp chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức từ những biến đổi này đến tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời kỳ phát triển tiếp theo là rất cần thiết.
Trong khuôn khổ Hợp phần “Nâng cao năng lực của Viện Chiến lược phát triển trong thực hiện các nghiên cứu dân số và phát triển phục vụ giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội” do Viện Chiến lược phát triển thực hiện thuộc Dự án VNM8P01 “Hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và sử dụng thông tin thống kê dân số trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển” do UNFPA tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện giai đoạn 2012-2016, Viện Chiến lược phát triển đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, cá nhân liên quan tiến hành nghiên cứu Báo cáo “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách”. Báo cáo sử dụng phương pháp Tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA) để phân tích vai trò của dân số theo từng tuổi hoặc nhóm tuổi đối với nền kinh tế thông qua thu nhập và chi tiêu của họ, từ đó xác định giai đoạn dư lợi dân số. Nghiên cứu cũng sử dụng một số mô hình phân tích kinh tế khác để đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành và toàn bộ nền kinh tế, đồng thời đề xuất một số chính sách để tận dụng và biến “cơ hội dân số vàng” thành “dư lợi dân số” phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đến năm 2049.
Báo cáo được nghiên cứu từ năm 2014 với mục đích cung cấp thông tin đầu vào có giá trị liên quan đến dân số và phát triển cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thực hiện. Qua nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các nhà quản lý có liên quan, Viện Chiến lược phát triển đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện và công bố Báo cáo này. Qua đó, Viện Chiến lược phát triển mong muốn cung cấp cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội những thông tin, bằng chứng, dự báo định lượng đáng tin cậy về tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị chính sách.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Hội nghị được nghe báo cáo của các nhóm nghiên cứu bao gồm: Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách; Tác động của tăng năng suất lao động xã hội đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đến năm 2035; Định hướng, giải pháp phát triển nhân lực (lực lượng lao động trong độ tuổi) của Việt Nam đến năm 2035.
Nghiên cứu cho thấy, tăng năng suất lao động là yếu tố hết sức quan trọng, khi dân số ngày càng già (khiến cơ cấu tuổi lao động cũng thay đổi theo hướng tỷ trọng lao động lớn tuổi nhiều hơn). Cải thiện năng suất lao động cùng với các chính sách phù hợp để lao động lớn tuổi vẫn có khả năng lao động sẽ góp phần giảm “thâm hụt”. Hệ thống y tế cũng cần thay đổi để phù hợp với dân số già. Lao động trẻ càng nhiều thì năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế ngành và toàn bộ nền kinh tế càng được cải thiện, do đó các nhóm lao động trẻ có kỹ năng, trình độ chuyên môn ngày càng được cải thiện sẽ là cơ hội vàng cho tăng trưởng, ngay cả khi hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng sâu, rộng. Dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong thay đổi năng suất lao động ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung, cần thúc đẩy cơ chế lan tỏa thông qua phát triển các ngành hỗ trợ cho các ngành có năng suất cao, chú trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp với tỷ trọng lao động còn rất cao. Cơ chế và thể chế là yếu tố rất quan trọng nhằm hiện thực hóa các chính sách, đưa “dân số vàng” trở thành “dư lợi dân số”.
Về giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực giai đoạn 2015-2035, Báo cáo đề xuất đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung – cầu nhân lực theo ngành, nghề đào tạo trong các ngành kinh tế; Xây dựng tầm nhìn về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035 và cụ thể hóa thành các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; Xác định tầm nhìn và cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai nghiên cứu và ứng dụng một cách hệ thống các lĩnh vực khoa học công nghệ; Chủ động nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thế giới, trong đó đặc biệt chú trọng đến những ngành nghề đòi hỏi người lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao, những ngành khoa học công nghệ thuộc xu thế phát triển của thời đại; Xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến; Quy hoạch mạng lưới giáo dục và đào tạo nghề cho người lao động và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư