Sáng 25/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế Á-Âu tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), thu hút hàng trăm đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) các bên.
|
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Sự kiện này được coi là cơ hội để các DN Việt Nam và các DN thuộc EAEU gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan hiểu rõ hơn về những lợi ích sau khi hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) hồi tháng 5 vừa qua.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý tại Diễn đàn, Hiệp định có ý nghĩa chiến lược này sẽ mở ra bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EAEU nói chung cũng như với từng nước thành viên nói riêng.
Việt Nam là đối tác đầu tiên ký FTA với EAEU và nhiều nội dung trong FTA cho thấy chúng ta sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khá lớn này.
Ngược lại, các nhà đầu tư, DN của các quốc gia trong EAEU cũng sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội hợp tác, tiếp cận với thị trường Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam và các quốc gia thành viên EAEU có mối quan hệ truyền thống hữu nghị từ thời Liên Xô cũ. Trong giai đoạn 2009-2014, thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân 5-6% với kim ngạch song phương đạt 4,2 tỉ USD vào năm 2014.
Nhiều ý kiến đánh giá mức độ hợp tác này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và cơ hội, nhất là mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và lâu dài giữa hai bên.
FTA vừa được ký kết cho thấy một cơ hội lớn khi 90% dòng thuế của hai bên sẽ được cắt giảm về 0%, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương hiện nay.
Đại diện nhiều DN lớn của các quốc gia EAEU nhìn nhận cơ hội đặc biệt khi phía Việt Nam cắt giảm thuế quan đối với 87,7% tổng số dòng thuế, trong đó tỉ lệ xóa bỏ thuế quan ngay là 52,4%. Cụ thể là các mặt hàng sữa, phân bón, xăng dầu, ô tô tải, thịt gia cầm... sẽ có mức cắt giảm ngay hay theo lộ trình ngắn trong vài năm tới.
Ở chiều bên kia, các DN Việt Nam cũng cho rằng sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày với gần như hầu hết các dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình 5-10 năm.
Vấn đề còn lại được các DN hai bên tập trung kiến nghị, nêu ý kiến đối với giới quản lý là những vướng mắc cần tháo gỡ trong khâu thanh toán song phương, các yêu cầu cần chú ý đối với chất lượng một số loại hàng hóa như thực phẩm, thủy hải sản, công tác tuyên truyền, phổ biến những vấn đề trong FTA đối với các đối tác liên quan...
Tại diễn đàn, Ban tổ chức cũng đã thiết lập các cuộc gặp gỡ, trao đổi ngắn để các đối tác đầu tư, DN cùng lĩnh vực hoặc cùng quan tâm tiếp xúc, giới thiệu, tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác làm ăn, giao thương./.
Nguyên Linh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ