Đó là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nêu tại Hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững 6 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc” diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Ngân hàng Nhà nước trao tặng 6 tỉnh nghèo vùng Tây Bắc mỗi tỉnh 5 tỉ đồng để xây nhà cho người nghèo. Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Hiện vùng Tây Bắc còn 6 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao là Hà Giang (23,21%), Cao Bằng (20,55%), Yên Bái (20,57%), Sơn La (23,94%), Điện Biên (32,57%) và Lai Châu (23,48%).
Hội nghị thống nhất cần phải gắn xóa đói giảm nghèo với phát triển du lịch Tây Bắc, nhất là du lịch cộng đồng. Tái cơ cấu nông nghiệp với việc tập trung vào cây đặc sản của từng địa phương trên cơ sở ứng dụng công nghệ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cần tạo ra các mô hình liên kết cộng hưởng để thúc đẩy lan tỏa trong phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình tốt trong quá trình giảm nghèo.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường đã nêu rõ những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình giảm nghèo ở địa phương như địa hình đồi núi, tâm lý an phận của bà con các dân tộc thiểu số, nhất là bà con các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Theo ông Phạm Duy Cường, chính sách giảm nghèo nên “không cho gạo mà cho cơ chế, nguồn lực” để bà con nâng cao nhận thức, dân trí, từ đó nỗ lực tự thoát nghèo.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng để đạt được tiến bộ nhanh chóng và giảm nghèo bền vững thực sự ở vùng Tây Bắc, cần có chiến lược tổng thể và hữu hiệu về phát triển kinh tế, nhất là giúp tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, khu vực Tây Bắc phải tạo ra sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư, chú trọng đến công tác đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động gắn với nhu cầu của xã hội.
Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh muốn đạt hiệu quả cần phải kết hợp các chương trình giảm nghèo. Ngoài ra, nên có cách tiếp cận dựa trên sự phân cấp trong công tác giảm nghèo để các cấp xã, huyện được xây dựng, đánh giá hiệu quả công tác này. Đây là bài học mà WB thấy được sau khi thực hiện nhiều chương trình tại Việt Nam.
Ông Vũ Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn nguồn nhân lực toàn cầu, đề xuất giải pháp và mô hình mới cho khu vực này là mô hình “liên kết cộng hưởng” trong phát triển KT-XH. Với mô hình này, các địa phương sẽ gắn kết và quảng bá cho nhau về lợi thế như du lịch, nông nghiệp, thương mại, nhất là trong lĩnh vực du lịch để du khách trải nghiệm, tiếp cận với không chỉ một địa phương mà nhiều địa phương khác.
Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có sự tham gia tích cực của một số doanh nghiệp trên địa bàn.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, cùng với nguồn vốn cho vay thương mại, nguồn vốn cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới trong vùng.
Ước đến hết tháng 12/2015, tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đạt 175.047 tỉ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014. Trong đó, dư nợ ước tính đến cuối tháng 12/2015 tại 6 tỉnh có tỉ lệ nghèo cao nhất là 67.959 tỉ đồng. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp theo chương trình đạt khoảng 38.298 tỉ đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nhìn nhận rõ tỉ lệ nghèo của vùng còn cao thì trách nhiệm này trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển KT-XH vùng Tây Bắc trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như du lịch, lâm nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biên mậu với các giải pháp đồng bộ, bền vững để phát huy lợi thế so sánh của vùng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.
Phó Thủ tướng chỉ rõ phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân, nhất là của 6 tỉnh nghèo nhất vùng. Do đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân tự vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại, an phận trong một bộ phận nhân dân.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì và phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; tập trung nguồn lực hơn cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng lõi nghèo của Tây Bắc.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành khác tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo hiện nay, xây dựng đồng bộ chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (trong đó có 6 tỉnh nghèo nhất Tây Bắc).
Cấp ủy và chính quyền địa phương cần giải quyết rốt ráo đất ở, đất sản xuất, đất rừng cho người dân, đồng thời địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với chương trình hành động cụ thể, có sự giám sát, đánh giá của HĐND./.