Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/01/2016-17:59:00 PM
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) – Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại Quyết định số 98/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 13/8/2015, văn bản số 03/BCĐTKLPCTN-TTCP ngày 13/11/2015 và thực hiện Kế hoạch số 7057/KH-BKHĐT ngày 29/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Hội nghị được tổ chức ngày 31/12/2015 với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Trung, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và đại diện lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, bám sát đặc thù thực tiễn của Ngành, tiến hành tổng kết một cách nghiêm túc, khách quan, dựa trên kết quả thực hiện từng năm. Việc đánh giá thực thi Luật của Bộ bao gồm hai nội dung chính: Khung khổ pháp lý, chính sách chung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm; Công tác PCTN mà các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện. Trên cơ sở đó, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách.

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN, được cụ thể hóa trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn ODA, quản lý đấu thầu, quản lý các hoạt động đầu tư, quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; Xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan PCTN và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan PCTN.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng được quan tâm triển khai qua các nội dung: Cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng; Công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; Thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức; Công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; Thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện; Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản thu nhập; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế tiêu dùng tiền mặt…

Trong 10 năm qua, công tác PCTN đã được quán triệt đến toàn thể các đơn vị thuộc Bộ và tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN, Bộ đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, pháp luật cũng như các giải pháp trong quản lý điều hành nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, ngăn ngừa và hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Các cơ chế, chính sách, pháp luật về kế hoạch, đầu tư và thống kê ngày càng được hoàn thiện, ngày càng công khai minh bạch hơn, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư ngày càng được hạn chế. Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Việc thực hiện thanh tra theo chuyên đề diện rộng đã chỉ ra được nhiều hạn chế trong thực hiện các hoạt động về kế hoạch, đầu tư và thống kê của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Điều này đã góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, do lĩnh vực quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư, thống kê rộng, các quy định pháp luật mặc dù thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn không thể tránh khỏi những sơ hở, hạn chế là cơ hội cho tham nhũng, thất thoát. Bên cạnh đó, việc ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa nghiêm cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Lực lượng Thanh tra Bộ mỏng nên việc tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ còn hạn chế. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được thực hiện, tuy nhiên hiệu quả không cao, còn mang tính hình thức. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tham nhũng vẫn còn.

Hội nghị được nghe đại diện Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân trình bày báo cáo chuyên đề “Công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước” và đại diện Cục Quản lý đấu thầu trình bày báo cáo chuyên đề “Công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu dự án sử dụng vốn nhà nước”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung trao tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong
công tác PCTN. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 10 tập thể và 21 cá nhân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ về PCTN. Các tập thể nhận được Bằng khen bao gồm: Tổng cục Thống kê, Cục Quản lý đấu thầu, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Văn phòng Bộ, Phòng Thanh tra 1, Phòng Thanh tra 4, Phòng Thanh tra 5 thuộc Thanh tra Bộ./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3509
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)