Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trở thành một trong những ưu tiên đối ngoại của Ukraine hiện nay, trong đó quan hệ với hai nước Singapore và Việt Nam có vai trò nổi bật.
Việt Nam thuộc nhóm các nước chủ yếu xuất khẩu sang Ukraine các mặt hàng tiêu dùng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Đó là đánh giá của nhà nghiên cứu E.Barshevskiy thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Petro Moghili ở Biển Đen.
Theo ông Barshevskiy, trong quan hệ với ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm các nước chủ yếu xuất khẩu sang Ukraine các mặt hàng tiêu dùng và nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp và quân sự. Cùng nhóm với Việt Nam còn có Lào, Campuchia và Myanmar. Trong đó, Việt Nam là mối quan tâm đặc biệt của Ukraine.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ukraine luôn được duy trì và phát triển trên các lĩnh vực chinh trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học cũng như trên các diễn đàn quốc tế.
Nhóm thứ hai trong ASEAN bao gồm các nước xuất khẩu hàng công nghiệp và công nghệ, nhập khẩu từ Ukraine các sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu thô. Đó là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Thống kê của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam cho biết kim ngạch song phương giữa hai nước từ 2008-2014 đạt trung bình 350 triệu USD/năm, trong đó Ukraine xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị và máy móc. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam bao gồm sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Con số trên đây được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó trong thời gian tới, phía Ukraine quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên các lĩnh vực sau: hợp tác trong công nghệ, đặc biệt là năng lượng; hợp tác thăm dò tìm kiếm khoáng sản ở Việt Nam và cung cấp thiết bị khai thác mỏ; hợp tác quân sự - công nghệ quốc phòng. Ukraine và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1997.
Ngoài ra hiện Ukraine đã thiết lập quan hệ này với hầu hết các nước thành viên ASEAN./.