Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã có trên 200 doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện…
Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các doanh nghiệp đã triển khai 287 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 67.943 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Đắk Lắk chỉ riêng từ năm 2010 đến nay đã có 29 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư và các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, thương mại, du lịch sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy điện…
Các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên không những mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp mà còn góp phần chuyển dịch dịch kinh tế, đóng góp lớn nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động cho các tỉnh Tây Nguyên.
Ngay tại Đắk Lắk, nhiều doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội khá cao như Trung tâm Metro Cash - Carry Buôn Ma Thuột, Xí nghiệp chế biến cà phê xuất khẩu Intimer Buôn Ma Thuột, Trung tâm thương mại của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hoặc ký kết hợp tác sản xuất, kinh doanh với các địa phương, các doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên chưa được định hướng, thông tin và các chính sách hỗ trợ chưa được đầy đủ về ngành, lĩnh vực đầu tư, hợp tác nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Nguyên nhân là do chưa chưa xác định cụ thể ngành công nghiệp, hoặc dịch vụ hỗ trợ cần tập trung phát triển cho từng khu vực trong vùng, liên vùng, dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh, thành phát triển các ngành kinh tế một cách dàn trải, thiếu định hướng và chiến lược chung cho toàn vùng, liên vùng. Từ đó dẫn đến sự gắn kết giữa các tỉnh, thành để cùng phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương chưa khoa học.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên rà soát các chương trình đã ký kết để bổ sung, điều chỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh.
Từng địa phương thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể, thông qua chương trình hợp tác kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi đầu tư, nhất là tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, tiêu thụ hàng hóa… để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên./.