(MPI Portal) – Theo kết quả Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2015 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng kinh doanh, đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Việt Nam tiếp tục được coi là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản.
|
Ảnh: Minh họa. Nguồn: Internet
|
Khảo sát của JETRO diễn ra từ ngày 08/10 đến ngày 13/11/2015, dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Bắc Á, 9 quốc gia khu vực ASEAN, 4 quốc gia Tây Nam Á và 2 quốc gia châu Đại Dương. Với 9.590 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia, đã có 4.635 doanh nghiệp đưa ra câu trả lời hợp lệ. Tại Việt Nam, có 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tham gia Khảo sát, trong đó có 557 doanh nghiệp đưa ra trả lời hợp lệ.
Lý do chính để các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai là do doanh thu tăng, khả năng tăng trưởng, tiềm năng cao. Tiếp đó là những thuận lợi trong môi trường đầu tư, Việt Nam xếp thứ 3 trên tổng số 15 quốc gia về chi phí nhân công rẻ. Hơn một nửa doanh nghiệp đánh giá cao “Tình hình chính trị, xã hội ổn định”, “Quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng” của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo kết quả Khảo sát, Việt Nam xếp cuối trong 15 quốc gia về tiêu chí “Rào cản ngôn ngữ là không đáng kể”. Những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt đang ngày càng xấu đi so với trước. Trên 60% các rủi ro đang tồn tại như “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”, “Thủ tục hành chính phức tạp”. Hơn một nửa số doanh nghiệp nhìn nhận “Thủ tục thuế” là những vấn đề cần phải được nhanh chóng cải thiện. Tỉ lệ nội địa hóa không thấy sự thay đổi so với năm trước, Việt Nam cần có đối sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản được Khảo sát kỳ vọng, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực sẽ tạo “thuận lợi hóa thương mại và thuế quan” và mong rằng vấn đề này sẽ được cải thiện hơn nữa. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn tôn trọng pháp luật, hoạt động kinh doanh cởi mở và công bằng, hướng tới mục tiêu phát triển của Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư