Ngày 4/3, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam: Từ phê chuẩn tới thực tiễn.”
|
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin toàn diện về nội dung cơ bản của Hiệp định TPP; cam kết của Việt Nam trong TPP; cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định TPP.
TPP - Hiệp định thế hệ mới
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh Hội nghị tổ chức vào thời điểm Hiệp định TPP vừa mới được các vị Bộ trưởng Thương mại của 12 nước thành viên TPP ký chính thức sau nhiều năm đàm phán.
Đây là sự khẳng định nỗ lực của các bên tham gia đàm phán, ký kết. Đối với Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ triển khai chính sách đối ngoại với tinh thần tích cực, chủ động.
Đặc biệt, Hiệp định TPP mà Việt Nam tham gia sẽ đem lại những thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu thương mại giữa nước ta với Hoa Kỳ và các đối tác hàng đầu trong khu vực và trên thế giới; tiếp tục góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc gia nhập TPP tạo ra không ít khó khăn, thách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; để nâng cao tính hiệu quả, năng lực công nghệ đạt được những chuẩn mực cao hơn trong quản trị doanh nghiệp, nhất là năng lực sản xuất, cạnh tranh các sản phẩm mà Việt Nam có năng lực sản xuất, phát triển các dịch vụ, ngành phụ trợ, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực, giúp người lao động có việc làm; đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhà nước, doanh nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu có nền nông nghiệp sạch.
Do đó, Quốc hội Việt Nam với vai trò và chức năng của mình cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế, tham gia ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cùng với đó, việc chuẩn bị phê chuẩn các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định TPP, Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, việc thực hiện các cam kết của nước ta khi tham gia TPP; đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc này.
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của đại biểu Quốc hội, nhận rõ thuận lợi, thách thức khi tham gia TPP là một sự chuẩn bị cần thiết; đồng thời cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước để bảo đảm triển khai thực hiện Hiệp định TPP có hiệu quả.
“Những khuyến nghị chính sách của hội nghị, có ý nghĩa quan trọng với Quốc hội Việt Nam trong khi chuẩn bị phê chuẩn TPP trong thời gian tới,” Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.
TPP với Việt Nam - thuận lợi và thách thức
Trong hai ngày 4-5/3, Hội nghị thảo luận về cơ hội, thách thức đối với Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP và những vấn đề đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế và năng lực thực thi pháp luật để thực hiện các cam kết trong TPP; các tác động của Hiệp định TPP đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể về mặt kinh tế, xã hội, công đoàn, sở hữu trí tuệ…
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 5/10/2015, các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại và chính thức tuyên bố việc kết thúc đàm phán.
Ngày 5/11/2015, toàn văn Hiệp định (bản tiếng Anh) đã được các nước TPP công bố.
Ngày 4/2/2016, các nước đã ký xác thực lời văn của Hiệp định, mở đường cho việc phê chuẩn Hiệp định theo quy trình pháp luật của từng nước.
Cùng ngày, Bộ Công Thương đã công bố bản dịch tiếng Việt của Hiệp định.
Nói về Hiệp định TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đây là một Hiệp định với tiêu chuẩn cao, đề cập không chỉ các lĩnh vực hợp tác thương mại và đầu tư truyền thống mà còn xử lý những vấn đề tuy ở nhiều nơi đã được coi là một phần không thể tách rời trong thương mại quốc tế nhưng vẫn còn mới như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định nhất trí xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh đáng kể cho doanh nghiệp cũng như góp phần đảm bảo các lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Điểm đầu tiên, mang tính nổi bật của Hiệp định TPP là có tiêu chuẩn cao đối với hầu hết khoảng 30 nội dung đàm phán.
Tuy nhiên, các nội dung quan trọng như doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài... đều phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong việc xây dựng đồng bộ các thể chế của nền kinh tế thị trường.
Thêm nữa, Hiệp định TPP là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên có những nội dung liên quan đến khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động xây dựng các thể chế của nền kinh tế thị trường thông qua một số định hướng như: Hình thành triết lý tăng trưởng mới - tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh.
Thông qua cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ, các doanh nghiệp tham gia thị trường buộc phải phát huy lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh; đồng thời, luôn tìm cách tạo lập lợi thế cạnh tranh mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh.
Việt Nam tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
"Việc tham gia Hiệp định TPP là hoàn toàn phù hợp và được coi là một trong những công cụ để thực hiện định hướng trên. Cũng như tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới trước đây, tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của ta, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu.
"Cùng với đó, với các tiêu chuẩn cao về mở cửa thị trường của mình, Hiệp định TPP dự kiến cũng sẽ đem lại cơ hội đáng kể trong việc tiếp cận các thị trường tiên tiến, có dung lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế cho tất cả các nước tham gia," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Nhấn mạnh việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định TPP sẽ là thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng: Sau khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định TTP cần đào tạo và trang bị những kỹ năng mới cho lực lượng lao động để tận dụng được những cơ hội kinh tế tương lại; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quy mô lớn hơn; hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm xây dựng môi trường kinh doanh và giúp các doanh nghiệp kết nối Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại sứ Ted Osius khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu và thực hiện Hiệp định TPP; đồng thời luôn là đối tác, bạn đồng hành giúp Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Nói về tác động TPP với Việt Nam trên khía cạnh công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng việc cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp không có sự phân biệt được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không xin phép trước.
Để được hoạt động, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
“Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nếu Công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của người lao động, nói lên được tiếng nói bức xúc của người lao động, thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức Công đoàn Việt Nam," ông Chính nói.
"Nếu ngược lại Công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam, mà họ tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của người lao động; nếu họ bảo vệ có hiệu quả hơn tổ chức Công đoàn hiện tại thì tổ chức Công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thực sự, sẽ không thực hiện tốt được chủ trương đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân,” ông Chính phân tích.
Hội nghị cũng đã đánh giá sự tác động của TPP với Việt Nam trên khía cạnh lao động, xã hội, nông nghiệp, doanh nghiệp./.
Nguyễn Cường
TTXVN/VIETNAM+