(MPI Portal) - Ngày 04/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 537/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, xây dựng tỉnh Cà Mau có kinh tế - xã hội phát triển đạt mức khá trong vùng; Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng với chiều sâu; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân hằng năm 7 - 7,5%; Giai đoạn 2021 - 2025 tăng 7%; Giai đoạn 2026 - 2030 tăng 6,9%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 6.800 - 6.900 USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 37%, năm 2030 đạt 50%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo từng giai đoạn).
Theo định hướng, Cà Mau sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm tỉnh có lợi thế, nhất là thủy hải sản gắn với chế biến, tiêu thụ để nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và là sự nghiệp của toàn dân.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, nông lâm sản theo hướng tăng tỷ lệ hàng tinh chế, khôi phục phát triển công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu thuyền. Phát triển công nghiệp năng lượng, hóa chất trên cơ sở cụm khí điện đạm Cà Mau, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, gắn liền với tăng cường quản lý bảo vệ môi trường. Phấn đấu tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng bình quân hằng năm khoảng 10 - 12%.
Trong những năm tới, Cà Mau phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, tập trung vào các ngành có tiềm năng và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, chuyển mạnh các đơn vị hoạt động sự nghiệp sang hình thức cung ứng dịch vụ theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân khoảng 10%/năm. Huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước, trong đó hạ tầng giao thông là khâu đột phá phát triển.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện quy hoạch khoảng 570 nghìn tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn của giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 96 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 186 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 288 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, phối hợp trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của quy hoạch và xem xét hỗ trợ trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện quy hoạch ./.
File đính kèm: Quyetdinh537.2016.TTg.pdf
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư