Ảnh: Internet (MPI Portal) – Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% năm 2016 và tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% năm 2017.
Theo Báo cáo, con số FDI cam kết mới hầu như không thay đổi trong năm 2015 và đạt 22,8 tỉ USD cho thấy số FDI giải ngân năm 2016 sẽ không tăng, thậm chí giảm đi trong năm 2017. Khoảng 60% số vốn FDI được cam kết trong các ngành chế tác định hướng xuất khẩu. Thu nhập tăng và lạm phát thấp dự báo sẽ làm cho tiêu dùng tư nhân tăng. Việt Nam đã trở thành thị trường ôtô tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Một khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2015 cho biết 41% doanh nghiệp kỳ vọng điều kiện kinh tế sẽ cải thiện trong năm 2016 và 40% kỳ vọng điều kiện sẽ giữ ổn định.
Triển vọng tăng trưởng đầu tư tư nhân được cải thiện nhờ tiến trình đàm phán và gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư trong 18 tháng qua. Đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc và những cam kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi ích từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với các thành viên của ASEAN cộng lại tạo thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Liên minh Châu Âu. Các hiệp định thương mại này sẽ được thực thi trong vòng vài năm nữa và kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư trong tương lai gần khi các doanh nghiệp chuẩn bị đón nhận các cơ hội kinh doanh mới.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng vững vàng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất cải thiện trong hai tháng đầu năm 2016 với số lượng đơn hàng gia tăng. Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ tăng mạnh, mặc dù triển vọng này có bị giảm đi do sụt giảm lượng khách du lịch từ Trung Quốc. Nông nghiệp trong thời gian tới cũng tạm thời sụt giảm do giá cả lương thực thế giới thấp và ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Trong ba tháng đầu năm 2016, lạm phát tăng lên trung bình 1,3% và dự báo đạt trung bình 3,0% trong năm nay và 4,0% trong năm 2017. Giá nhập khẩu năm 2016 sẽ tăng khi tiền đồng mất giá, giá lương thực và nhiên liệu thế giới tăng trong năm 2017 sẽ làm cho lạm phát năm sau cao hơn.
Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn. Chính sách tài khóa sẽ dần thắt chặt song vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,9% GDP trong năm 2016 và 4,0% trong năm 2017. Ngân sách năm 2016 sẽ dành nhiều hơn cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ tăng 25,5%,chi tiêu vãng lai dự kiến tăng ít hơn ở mức 6,5%.
Dự báo xuất khẩu hàng hóa trong năm 2016 tăng 10% và tăng 14% trong năm 2017 khi các nhà máy đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Giá trị nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hàng hóa vốn đều tăng, cũng như để cung cấp đầu vào cho sản xuất. Kiều hối dự báo sẽ phục hồi khiêm tốn. Cán cân vãng lai dự báo sẽ chuyển sang thâm hụt trong năm 2016 và phục hồi trạng thái cân bằng trong năm 2017./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư