(MPI Portal) – Ngày 15/4/2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Xây dựng và thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, trong những năm qua kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nhưng so với yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại đầy đủ thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết, cách biệt so với thế giới. Cụ thể như: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, chưa tạo được đột phá phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tái cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ, hiệu lực quản lý nhà nước nhiều mặt còn hạn chế.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHNC chưa đủ rõ, nhất là về vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,… Đồng thời, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
|
GS. Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh chia sẻ các kinh nghiệm
quốc tế. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, GS. Michael Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang rất chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc ban hành luật Luật cạnh tranh và gần đây nhất là Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo GS. Michael Woods, Việt Nam cần làm rõ các nguyên tắc cạnh tranh và có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà soát Luật cạnh tranh, các luật và chính sách khác để đảm bảo mức độ cạnh tranh và đạt được kết quả bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung đã đưa ra một số giải pháp trong cải cách thể chế giai đoạn 2016 - 2020 đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả, đồng bộ và khả thi các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường, Nhà nước quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với kinh tế thị trường. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất, người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ cho mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ, lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá. Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Tập trung cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an toàn, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống cho người dân … ./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư