Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/05/2016-14:39:00 PM
Ngành Công Thương phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Công Thương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân; đồng thời kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hôm nay, Bộ Công Thương đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tích của ngành Công Thương đạt được trong 65 năm qua đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh, thống nhất và xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tình hình sản xuất trong lĩnh vực Công Thương của nhiều ngành và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn...

Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 2016-2020, nhanh chóng cụ thể hóa và thực hiện những nhiệm vụ được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt cần nhấn mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai là, triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội 2016. Ngành Công Thương cần tập trung chỉ đạo vượt mức chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016...

Ba là, thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên cờ lưu niệm của ngành Công Thương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bốn là, khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân, nhanh chóng thể chế hóa pháp luật, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để pháp luật, chính sách sớm đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để hiệu quả những lợi ích mang lại từ chính sách mới.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Năm là, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cung ứng sản phẩm, từng bước tìm các giải pháp nhằm giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp và sử dụng nhiều tài nguyên, lao động giản đơn, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với một số ngành trọng điểm. Rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đi liền với đó là bảo vệ môi trường…

Sáu là, tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030, đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2025 tầm nhìn 2035. Chú trọng nâng cao công tác quản lý thị trường trong nước, nhất là các kênh phân phối lớn, tích cực ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả...

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cũng tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Công Thương.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, công nghiệp và Thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Hiện tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ đã chiếm hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách Nhà nước hằng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động.

Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương với 150% tổng GDP. Thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng tới gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu từ mức tổng giá trị đạt hơn 3 tỉ USD lúc mới đổi mới (năm 1986), ngày nay đã tăng hơn 100 lần, đạt 327 tỉ USD (năm 2015), trong đó xuất khẩu đã vượt 80%GDP.

Thị trường trong nước có dân số lớn thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khối ASEAN với hệ thống nội thương phát triển đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ và thị trường bán lẻ tăng bình quân 26,6%/năm, nhu cầu nội địa đã trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất, chiếm hơn 2/3GDP.

Đức Tuân
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1234
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)