|
Thu mua lúa gạo tạm trữ ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành mua tạm trữ ngay 1 triệu tấn gạo, bắt đầu từ ngày 15/3, thời gian triển khai mua tạm trữ là 4 tháng theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải cơ cấu lại mùa vụ, rà soát lại quy hoạch để giảm diện tích trồng lúa vụ Hè-Thu và Thu-Đông (dự kiến khoảng 120.000ha) ở những vùng trồng lúa có năng suất thấp chuyển sang trồng các loại rau màu, cây trồng khác nhằm giảm áp lực về sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế.
Giá lúa đang “đi xuống”
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích gieo cấy vụ lúa Đông-Xuân 2013-2014 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 1.604.112ha, tăng 3.207ha.
Tính đến ngày 10/3, toàn vùng đã thu hoạch được 620.000ha, năng suất bình quân đạt 6,83 tấn/ha, tăng 0,01 tấn/ha. Sản lượng thu hoạch đạt 3,92 triệu tấn thóc. Đây là vụ lúa được mùa lớn với sản lượng dự kiến cả vụ là 10.951.000 tấn, tăng 34.147 tấn so với vụ Đông-Xuân trước.
Dự báo sản lượng gạo hàng hóa năm 2014 của vùng đạt 8,6 triệu tấn, trong đó vụ đông xuân 2013-2014 là 4,3 triệu tấn gạo tương đương với 8,551 triệu tấn thóc cần xuất khẩu hoặc tiêu thụ sang các thị trường khác.
Riêng trong tháng Ba và tháng Tư, toàn vùng có 6,36 triệu tấn thóc, tương đương với 3,2 triệu tấn gạo hàng hóa cần tiêu thụ. Sản xuất lúa gạo tuy được mùa nhưng từ đầu tháng Ba đến nay, tức là càng vào thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa trên thị trường liên tục giảm do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, nhiều thương lái không mua lúa gây tâm lý hoang mang trong dân.
Trong hai tháng đầu năm 2014, cả nước mới chỉ xuất khẩu được 749.000 tấn gạo, đạt giá trị 352 triệu USD, bằng 93,7% về lượng và 97,7% về giá trị so với cùng kỳ 2013. Dự kiến trong quý 1/2014, cả nước xuất khẩu đạt từ 1,1-1,2 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ là 1,5 triệu tấn gạo.
Hiện giá chào xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo 5% tấm đang được các doanh nghiệp chào bán với giá 385-395 USD/ tấn, giảm từ 10-15 USD/ tấn so với giá đầu tháng 3/2014. Giá gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmine hiện cũng chỉ còn từ 355-365 USD và 495-505 USD/ tấn.
Trước tình hình giá gạo xuất khẩu giảm mạnh đã kéo theo giá thu mua lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhanh. Hiện giá lúa đang dao động từ 4.400-5.000 đồng/kg đối với lúa thường và khoảng 4.500-5.300 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao, giảm từ 500 đến 700 đồng/kg so với đầu vụ và rất khó tiêu thụ.
Với giá thành sản xuất lúa vụ Đông-Xuân 2013-2014 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bình quân là 3.769 đồng/kg thì giá bán lúa khô 5.000 đồng/kg, nông dân có lãi suất 30%. Như vậy, trong khi hai tháng đầu năm 2014, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bán được giá lúa cao từ 5.200 đến 5.800 đồng/kg, thu lãi trên 30% thì hiện nay nông dân chỉ thu lãi từ 20-30% và khả năng trong vào ngày tới còn thấp hơn do giá thu mua lúa gạo tiếp tục giảm vì đang ở thời điểm thu hoạch rộ.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Trồng trọt cho rằng, nguyên nhân giá gạo xuất khẩu giảm mạnh và thị trường gạo thế giới đang diễn biến khó lường do thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn trong năm nay, kéo theo các đối tác truyền thống của Việt Nam như Philippin, Indonesia... cũng tạm dừng thỏa thuận hợp đồng nhập khẩu để nghe ngóng thị trường. Kéo theo giá gạo thực tế chào xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng đã giảm mạnh.
Thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân cũng như các vụ lúa tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu quyết liệt tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường sang Trung Quốc cả về chính ngạch và tiểu ngạch.
Đề nghị Chính phủ triển khai mua tạm trữ ngay 1 triệu tấn gạo, khuyến khích nông dân tổ hợp tác, hợp tác xã tự bảo quản hoặc liên kết với các doanh nghiệp để tạm gửi kho chờ giá cả phù hợp. Bộ Công Thương đã có công văn trình và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý một số nội dung về cơ chế điều tiết xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung để tối đa hóa thị phần.
Thủ tướng yêu cầu Bộ chỉ đạo và theo dõi sát chính sách giải quyết gạo tồn kho của Thái Lan và Ấn Độ, theo dõi và nắm tình hình ở các thị trường Philippines và các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống để có những phương án, chính sách, chỉ đạo, điều tiết phù hợp; Quan tâm tìm hiểu, xúc tiến thương mại với các thị trường mới như Trung Quốc, Mexico...
Các bộ, ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, chương trình, chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay cũng như trong thời gian tới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo vụ Đông-Xuân, áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn 2-3 năm chỉ còn 7% cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Về chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả cấp bách trước mắt cũng như lâu dài để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng trước hết phải đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghiệp ứng dụng sâu rộng vào sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất gắn kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ và Chính phủ sẵn sàng chi bổ sung hỗ trợ cho chuỗi sản xuất hàng hóa này.
Các bộ, ngành và địa phương phải phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết có hiệu quả tốt, khuyến khích tối đa các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với địa bàn nông thôn nhằm phục vụ cơ sở vật chất, vốn cho đầu vào và giải quyết đầu ra nông sản góp phần làm giảm lực lượng lao động nông thôn, chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các doanh nghiệp xuất khẩu phải gắn với người sản xuất mà chủ yếu là nông dân để có những ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp.../.