Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/03/2014-15:40:00 PM
Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam
(MPI Portal) - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các nhà đầu tư, sáng ngày 18/3, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroChamtại Việt Nam và ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đồng chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện cơ quan quốc tế cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Trong bối cảnh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, xuất hiện nhu cầu cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh. Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách thảo luận các chủ đề nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo. Đây sẽ là cơ hội để cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà đầu tư cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những rào cản nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn, thuận lợi hơn. Nhu cầu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nợ công vẫn còn cao. Vì vậy, để thực hiện tốt điều này Việt Nam cần hướng tới một môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao việc EuroCham ban hành cuốn Sách Trắng về các vấn đề thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Đây là ấn phẩm thường niên đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý hiện tại của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Các vấn đề được EuroCham đề cập rất quan trọng và có ý nghĩa đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra các phiên thảo luận liên quan đến các chủ đề: (1) Phát triển hạ tầng cảng biển – Tình huống nghiên cứu: Các cảng biển Thị Vải – Cái Mép và Lạch Huyện; (2) Doanh nghiệp nước ngoài – Tình huống nghiên cứu: Ngành ngân hàng; (3) Quản trị giá và Luật giá.

Liên quan đến chủ đề phát triển hạ tầng cảng biển, đại diện EuroCham đánh giá rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm lớn trong khu vực với một bờ biển thuận lợi, nằm trong kênh đông đúc nhất của vận tải quốc tế và khu vực. Các cảng biển Thị Vải – Cái Mép và Lạch Huyện là những cảng biển nước sâu chiến lược của Việt Nam, được thiết kế để phát triển thành công cảng công-ten-nơ quốc tế.

Thảo luận Chuyên đề tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội thảo, chủ đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ngân hàng nhận được nhiều ý kiến đóng góp chia sẻ từ phía các chuyên gia, đại diện các ngân hàng. Theo nhận định của EuroCham, các thương vụ sát nhập và mua lại tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Việt Nam cần xác định giới hạn, rào cản và đưa ra các giải pháp khác nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần hài hòa các quy định, thủ tục, thực thi khung pháp lý rõ ràng và mang tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, EuroCham cũng cho rằng, việc quy định hạn mức sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Đồng thời cần đảm bảo tính minh bạch trong quá trình tăng hạn mức sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng.

Thông qua các Chuyên đề thảo luận, Hội thảo đã nhận được nhiều ý đóng góp nhằm cải thiện hơn môi trường đầu tư tại Việt Nam. Điều này sẽ có tác động nhất định đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, gia tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc làm và nguồn thu thuế. Đồng thời tạo ra những sản phẩm tốt hơn và an toàn hơn cho cuộc sống người dân Việt Nam. Đây cũng là cơ sở nhằm giúp Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1561
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)