Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/04/2016-14:51:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 năm 2016 thành phố Đà Nẵng

I.PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2016 tính theo phương pháp giá cơ bản ước tính tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 7,88% của quý I/2015).

Trong mức tăng 7,12% của toàn nền kinh tế trên địa bàn, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,78%, thấp hơn mức tăng 8,87% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,1 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,91%, cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,11 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%, so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7,01% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,11 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP toàn thành phố.

Giống như năm 2015, mức tăng trưởng quý I/2016 chủ yếu do đóng góp của hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tính riêng khối công nghiệp tăng 7,79%, đóng góp 1,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung. Như vậy, công nghiệp Đà Nẵng có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ (Quý I/2015 tăng 8,87%). Mặc dù chỉ số phát triển toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I năm nay tăng 9,28%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2015 (quý I/2015 tăng 8,24%), song một số ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn thì IIP lại tăng thấp hoặc giảm mạnh so cùng kỳ như: ngành SX và chế biến thực phẩm (quý I/2015: tăng 7,9%; quý I/2016 giảm 2,45%); SX thuốc, hóa dược và dược liệu (quý I/2015: giảm 9,69%%; quý I/2016 giảm 21,97%); SX sản phẩm cao su và plastic (quý I/2015: tăng 16,67%; quý I/2016 tăng 5,55%);…

Trong khu vực dịch vụ, ngành thương nghiệp tăng 9,67% so với cùng kỳ, tăng cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2015 giảm 2,7%) đây là một dấu hiệu tốt của khu vực dịch vụ, vì ngành thương mại chiếm tỷ trọng khá lớn trong khu vực này; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,52%, thấp hơn mức tăng 17,94% của cùng kỳ năm 2015, đặc biệt dịch vụ lưu trú có mức tăng khá thấp so với cùng kỳ (quý I/2015: tăng 19,71%; quý I/2016 tăng 3,35%). Tuy nhiên ngành hoạt động du lịch thì có dấu hiệu khả quan hơn, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 23,02% (quý I/2015 giảm 8,06%).

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế quý I/2016, giá trị tăng thêm (VA) toàn nền kinh tế chiếm 88,84% và thuế sản phẩm chiếm 11,16% (cùng kỳ năm 2015 lần lượt là 88,81% và 11,19%). Về cơ cấu VA, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44% và khu vực dịch vụ chiếm 64,35% (Cùng kỳ năm trước tỷ trọng tương ứng là: 2,31%; 33,93%; 63,76%).

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh 2010

tính theo phương pháp giá cơ bản

(Năm trước = 100%)

Đơn vị tính: %

Quý I năm 2015

Quý I năm 2016

TỔNG SỐ

107,88

107,12

Phân theo khu vực kinh tế

-Nông lâm nghiệp và thủy sản

107,01

103,29

- Công nghiệp và xây dựng

107,80

106,78

Trong đó: Công nghiệp

108,87

107,79

-Dịch vụ

107,80

107,91

- Thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm

108,71

104,64

2. Công nghiệp

* Chính thức tháng 2/2016, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,86% so với tháng 2/2015. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 17,71%; công nghiệp chế biến tăng 9,37%; công nghiệp điện tăng 15,76%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,63%.

Một số ngành tăng mạnh so tháng 2/2015 như: Khai khoáng khác tăng 17,71%; Sản xuất trang phục tăng 19,11%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 25,70%; Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 27,20%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 20,91%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 2 tháng đầu năm 2016 tăng 11,47% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Dệt tăng 44,60%; Sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic 28,95%; Sản xuất kim loại tăng 31,88%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 33,41%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 19,83%;... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với tháng 2/2015 như: Thủy sản chế biến; may mặc; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…

Tại thời điểm 01/3/2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tăng 52,34% so với cùng thời điểm năm 2015. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: SX thuốc, hóa dược liệu và dược liệu giảm 36,36%; Sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 48,69%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 45,52%; ... Một số sản phẩm tồn kho tăng so với cùng kỳ như: Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 325,21%; Chế biến gỗ và SX các SP từ gỗ tăng 246,24%; xe có động cơ tăng 27,99%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 58,17%...

* Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 3/2016 ước tăng 59,31% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 70,58%; Công nghiệp chế biến tăng 70,14%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 21,57%; Sản xuất nước và xử lý rác thải bằng 99,29% so với tháng 02/2016.

So với cùng kỳ tháng 3/2015, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 03/2016 tăng 7,70%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,71%; công nghiệp chế biến tăng 6,60%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 12,88%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 5,69%.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: sản xuất trang phục tăng 15,59%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 35,06%, sản xuất các SP từ kim loại đúc sẵn tăng 27,05%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 15,52%. Một số ngành SX giảm sút: ngành chế biến thực phẩm giảm 10,28%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,12%, sản xuất sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,57%; sản xuất kim loại giảm 23,05%...

* Ước cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 9,28%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 11,86%; công nghiệp chế biến tăng 7,91%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 14,16%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 12,60%.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá: Khai thác tăng 11,86%, Sản xuất giày dép tăng 8,37%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 8,85%; Sản xuất các SP từ kim loại đúc sẵn tăng 28,98%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 29,06%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 30,07%...so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành sản xuất giảm sút: Dệt giảm 5,05%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 15,53%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 21,97%; sản xuất kim loại giảm 5,28%... so với cùng kỳ năm 2015.

Một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như: đá xây dựng tăng 11,86%, Bộ quần áo thể thao tăng 44,40%, Hộp thùng bằng giấy nhãn và bìa nhăn tăng 52,58%, giấy ram tăng 29,77%, Săm dung cho xe buýt, xe tải hoặc xe máy tăng 24,67%, thanh que sắt thép hoặc thép không hợp kim, được cán nóng tăng 27,94%; gạc, khuôn, hình bằng sắt thép đã được hàn tăng 243,41% ... và có một số sản phẩm giảm mạnh như: Phi lê đông lạnh giảm 39,11%; thủy hải sản ướp đông giảm 55,6%, Quần áo bảo hộ lao động giảm 71,93%; Cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 33,33%...

3. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

3.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt: lúa 2.804 ha, ngô 225 ha, khoai lang 185 ha, rau, đậu 432 ha, mía 169 ha, cây hoa 50 ha, lạc 491 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa giảm 2,59%; ngô tăng 0,45%; khoai lang giảm 6,09%; rau đậu tăng 1,46%; mía giảm 6,63%; cây hoa giảm 4,76%, lạc giảm 5,36%.

Cây lúa hiện nay trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng, và đang sinh trưởng khá tốt. Thời tiết từ đầu năm đến nay ít mưa, lượng nước tưới tiêu cây trồng bị thâm hụt nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác cây nông nghiệp. Do thời tiết từ đầu năm đến nay có thay đổi, nên tình hình sâu bệnh hiện nay có phát triển và chủ yếu là các đối tượng: Rầy nâu – rầy lưng trắng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ.

Với tình hình sâu bệnh phát triển như hiện nay, cơ quan chuyên ngành đã triển khai hướng dẫn và phối hợp với bà con nông dân thường xuyên theo dõi và làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng. Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại để đề xuất biện pháp xử lý. Hỗ trợ thuốc cho nhân dân diệt chuột, chỉ đạo xử lý bệnh thường xuyên và liên tục.

* Chăn nuôi: Trong quý I năm 2016, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển ổn định, thực hiện Quyết định 15 đảm bảo An toàn thực phầm trong thời gian trước, trong và sau Tết, lực lượng Thú y đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trên thành phố. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật tiến hành chặt chẽ. Bên cạnh đó triển khai tiêm phòng lở mồm long móng đợt 1/2016 với 16.084 con trâu bò được tiêm, kiểm soát giết mổ 53.659 con heo, 2.573 trâu bò và 110.233 con gia cầm. Ngành chăn nuôi phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2016, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau:

+ Tổng số lượng trâu 2.090 con, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng bò 16.125 con, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng lợn 71.640 con, giảm 0,79% so với cùng kỳ năm 2015;

+ Tổng đàn gia cầm 453 ngàn con, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó: đàn gà 365,8 ngàn con, tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2015.

3.2. Lâm nghiệp

Đầu năm 2016 không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung; không có cháy rừng xảy ra. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tháng 3/2016 ước đạt 2.061m3, bằng 98,39% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 5.804 Ster, bằng 97,05% so với cùng kỳ năm 2015. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5.711 m3, sản lượng củi khai thác ước đạt 17.792 Ster.

Trong tháng 3/2016, cơ quan chuyên ngành đã tổ chức được 17 đợt kiểm tra tại rừng. Đã lập biên bản 8 vụ vi phạm hành chính. Xử lý 8 vụ vi phạm hành chính, phạt tiền 69 triệu đồng và tịch thu các hiện vật có giá trị khác. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức được 50 đợt kiểm tra tại rừng đã xử lý 20 vụ VPHC. Phạt tiền 60 triệu đồng. Tịch thu 18,5 m3 gỗ xẻ, 3,1 m3 gỗ tròn, 12 ster củi, 21,02 kg thịt ĐVR các loại và 28 tờ thực đơn quảng cáo. Tiếp nhận và thả về môi trường tự nhiên: 01 cá thể cầy vòi hương, 01 cá thể dúi mốc, 01 cá thể chồn hương, 07 cá thể kỳ tôm, 01 cá thể gà nước, 05 cá thể Khỉ (02 Khỉ mặt đỏ, 01 Khỉ vàng, 02 Khỉ đuôi lợn), 24 cá thể chim (01bìm bịp, 04 cu bườm, 08 mỏ nhát, 02 chim xít, 09 cu gáy).

3.3. Thủy sản

Hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển nhìn chung vẫn ổn định và thuận lợi. Chi phí giảm do sự điều tiết giá xăng dầu của Chính phủ và sự động viên của các cơ quan chuyên ngành đã động viên và khích lệ tinh thần vươn khơi bám biển của ngư dân. Các nghề chủ yếu giã đôi, rê 3 lớp, câu cá,… đều đạt hiệu quả khá cao. Về nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ, các hộ dân đang thu hoạch cải tạo ao và tiến hành thả giống mới.

Sản lượng thủy sản tháng 3/2016 ước đạt 2.986 tấn, bằng 96,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác đạt 2.976 tấn, bằng 97,39% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thủy sản cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8.981 tấn, bằng 99,27% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó sản lượng khai thác đạt 8.885 tấn, bằng 99,16% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính đến ngày 15/3/2016, trên địa có tổng số cơ sở khai thác hải sản là 1.770 đơn vị 1.685 chiếc với tổng công suất là 167.930 CV, bình quân 99,67 CV/1 tàu, trong đó: tàu, thuyền có công suất dưới 20CV là 882 chiếc với công suất 9.195 CV, bình quân 10,42 CV/1 tàu; tàu, thuyền có công suất từ 20 đến dưới 45 CV là 345 chiếc với công suất 9400 CV, bình quân 27.24 CV/1 tàu ; tàu, thuyền có công suất từ 45 đến dưới 90CV là 124 chiếc với công suất 7.680 CV, bình quân 61,93 CV/1 tàu; và tàu, thuyền từ 90CV trở lên là 334 chiếc với công suất 141.655 CV, bình quân 424,12 CV/1 tàu.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn khá thuận lợi, sản lượng nuôi trồng ước tháng 3/2016 đạt 4,3 tấn cá; 5,7 tấn tôm. Cộng dồn quý 1 năm 2016 đạt 95,7 tấn, trong đó 13,1 tấn tôm, nhìn chung sản lượng nuôi trồng thủy sản có tăng so với cùng kỳ năm 2016 ( +11,67% tương ứng sản lượng nuôi trồng tăng thêm 10 tấn). Không có dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi các biện pháp kỹ thuật và phòng chống để tránh xảy ra dịch bệnh trong thời gian tới.

4. Thương mại

4.1. Lưu chuyển hàng hoá

* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 3/2016 đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 5,17% so tháng trước bằng 99,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 206 tỷ đồng, bằng 95,8% so tháng trước, bằng 53,83% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 2.959 tỷ đồng, tăng 10,45% so tháng trước, tăng 8,37% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế cá thể đạt 1.655 tỷ đồng, bằng 99,02% so tháng trước, bằng 95,21% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 309 tỷ đồng, bằng 99,32% so tháng trước, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2015.

Trong tổng mức: nhóm thương nghiệp tăng 1,57%; nhóm khách sạn tăng 4,24%, nhà hàng tăng 11,63%; du lịch tăng 4,32% so cùng kỳ; dịch vụ giảm 12,73% so với cùng kỳ năm 2015.

* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 3 tháng đầu năm 2016 đạt 15.349 tỷ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 711 tỷ đồng, bằng 65,21% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 8.748 tỷ đồng, tăng 14,18%; Kinh tế cá thể đạt 4.994 tỷ đồng, bằng 95,8%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 893 tỷ đồng, tăng 22,06% so cùng kỳ năm 2015.

Trong tổng mức: Thương nghiệp tăng 3,03% so cùng kỳ năm trước; lưu trú tăng 3,59%; nhà hàng tăng 9,27% so cùng kỳ; du lịch tăng 25,66%; dịch vụ tăng 4,16% so cùng kỳ năm 2015.

4.2. Hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành

Ngành ăn uống: Ước tháng 3/2016 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 695,9 tỷ đồng, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 11,63% so với cùng kỳ năm 2015. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành ăn uống là 2.097 tỷ đồng, tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngành lữ hành và lưu trú

Doanh thu ngành lữ hành và lưu trú ước tháng 3/2016 đạt 410,2 tỷ đồng, tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 4,26% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: hoạt động khách sạn ước đạt 321,1 tỷ đồng, tăng 9,78% so với tháng trước và tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2015; hoạt động du lịch lữ hành đạt 89,1 tỷ đồng, bằng 76,19% so với tháng trước và tăng 4,32% so với tháng 2/2015. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành lữ hành lưu trú đạt 1.168,2 tỷ đồng, tăng 8,12% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng lượt khách phục vụ tháng 3/2016 là 326,5 nghìn lượt, tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 14,79% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: lượt khách lữ hành là 20,4 nghìn lượt khách, bằng 95,01% so tháng trước và bằng 81,53% so với năm trước, lượt khách lưu trú là 306,1 nghìn lượt khách, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 18,01% so với cùng kỳ năm 2015.

4.3. Vận tải, bưu chính

Tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ vận tải tháng 3/2016 ước đạt 603,4 tỷ đồng, tăng 3,27% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 16,96% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau:

- Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 143 tỷ đồng, tăng 13,64% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 3,56% so với tháng trước;

- Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 328 tỷ đồng, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 23,93% so với tháng trước.

- Doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 132,5 tỷ đồng, bằng 96,05% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 17,03% so với tháng trước.

Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 3/2016 đạt 91 triệu Hk.km, tăng 13% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 267 triệu T.km, tăng 4% so cùng kỳ năm 2015.

Tháng 3/2016 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 107,5 tỷ đồng, tăng 28,82% so với tháng trước và bằng 87,3% so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 464,1 tỷ đồng, tăng 15,42% so với tháng trước và tăng 8,23% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,03 tỷ đồng, gấp 2 so với tháng trước và tăng 75,77% so với cùng kỳ, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 30,7 tỷ đồng, tăng 2,97% so với tháng trước và bằng 96,75% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế doanh thu ngành vận tải 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.171,4 tỷ đồng, tăng 2,08% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vận tải hành khách đạt 418,8 tỷ đồng, tăng 15,11%; vận tải hàng hóa đạt 935 tỷ đồng, bằng 99,6%; dịch vụ vận tải đạt 417,7 tỷ đồng và bằng 96,6% so 3 tháng đầu năm 2015. Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách 3 tháng đầu năm 2016 đạt 275 triệu Hk.km, tăng 5,46% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 736 triệu T.km, bằng 99,84% so cùng kỳ năm 2015.

Theo loại hình, 3 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải nhà nước giảm 6,56%; doanh thu vận tải ngoài nhà nước tăng 4,56%; doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài tăng 59,24%, doanh thu vận tải cá thể giảm 1,98% so với cùng kỳ năm 2015

* Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tháng 3/2016 ước đạt 530 nghìn tấn, tăng 8,16% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 11,53% so với tháng trước. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 152 nghìn tấn, bằng 99,36% so với cùng kỳ và bằng 90,43% so với tháng trước; hàng nhập khẩu đạt 164 nghìn tấn, bằng 92,27% so với tháng trước và tăng 9,63% so với cùng kỳ 2015; hàng nội địa đạt 183 nghìn tấn, tăng 91,83% so với tháng trước và tăng 17,05% so với cùng kỳ; hàng Container ước đạt 210 nghìn tấn, bằng 90,85% so với tháng trước và bằng 77,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 1.551 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu tăng 21,2%; hàng nhập khẩu tăng 8,8%; hàng nội địa bằng 90,5% và hàng container tăng 2,8% so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2015.

II.KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

1. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 giảm 0,22% so tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị giảm 0,29%; khu vực nông thôn tăng 0,66%. CPI tháng 3/2016 giảm do các nguyên nhân chủ yếu sau: giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh giảm đã tác động đến chỉ số của nhóm nhiên liệu giảm 7,40% so với tháng trước. Sau Tết giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 9,11% (chủ yếu vé tàu hỏa giảm 2,09%; vé ô tô khách giảm 25,53%; vé taxi giảm 3,38%). Sau Tết giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm mạnh như; thịt heo, thịt bò, hải sản tươi sống, rau xanh, trái cây,.. , do đó chỉ số của nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 4,41%; thịt chế biến giảm 3,21%; thủy sản tươi sống giảm 4,29%; rau tươi, khô và chế biến giảm 3,77%; quả tươi, chế biến giảm 4,12%,…, nguyên nhân giảm là do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm. Nhu cầu đi du lịch sau Tết giảm nên giá tour giảm, do đó chỉ số của nhóm du lịch trọn gói giảm 9,63% so với tháng trước.

Chỉ số giá các nhóm mặt hàng tăng so với tháng trước như: May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,01%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; Giáo dục tăng 2,43%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 23,9%, chỉ số của nhóm này tăng cao là do sự điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Thông tư số 37/2015 của liên Bộ Y Tế - Bộ Tài Chính ngày 29 tháng 10 năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2016.

Còn lại hầu hết chỉ số các nhóm hàng đều giảm so với tháng trước: Giá lương thực giảm 0,01%; Giá thực phẩm giảm 2,71%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,4%; Nhà ở điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,26%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,24%; Ăn uống ngoài gia đình giảm 2,38%; Giao thông giảm 3,62%.

Chỉ riêng nhóm Bưu chính viễn thông có chỉ số không đổi.

Giá vàng tăng 6,33%; Giá đô la Mỹ giảm 0,15% so với tháng 2/2016.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2016 tăng 0,58% so với tháng 12 năm trước. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 1,56%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 0,54%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,43%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; Nhóm thực phẩm tăng 2,72%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,96%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,35%; Giáo dục tăng 2,44%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 23,9%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,26%; Nhà ở điện nước và chất đốt giảm 1,03% và giao thông giảm mạnh 10,01%.

Giá vàng tăng 9,83%; Giá đô la Mỹ giảm 0,71% so với tháng 12/2015.

* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm 2016 so với bình quân cùng kỳ năm 2015 tăng 0,88%, mức tăng bình quân của cùng kỳ năm này cao hơn mức tăng bình quân của cùng kỳ năm trước (tăng 0,52%). Nhóm giáo dục tăng 3,63%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,3%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,25%; nhóm thực phẩm tăng 2,14%; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,59%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,52%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,33%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,32%. Những nhóm hàng có chỉ số giá giảm mạnh so với chỉ số giá chung bình quân cùng kỳ như: Nhóm giao thông giảm 8,17%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,61%; Lương thực giảm 0,67% so bình quân cùng kỳ năm trước.

Giá vàng giảm 2,89%; Giá đô la Mỹ tăng 4,85% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

2. Thực hiện vốn đầu tư

* Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn ước quý I/2016 thực hiện được 5.596 tỷ đồng, tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2015, và bằng 68,73% so với quý IV năm 2015. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.741 tỷ đồng, bằng 98,07% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 4,32%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 750 tỷ đồng, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2015.

Phân theo khoản mục đầu tư từ nguồn vốn phát triển trên địa bàn trong quý I/2016 thì khoản mục đầu tư Xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 65,71% tương đương 3.677 tỷ đồng, tiếp đến là khoản mục đầu tư cho mua sắm TSCĐ không qua xây dựng cơ bản chiếm 16,82% tương đương 941 tỷ đồng, khoản mục bổ sung vốn lưu động chiếm 15,5% tương đương 867 tỷ đồng, khoản mục chiếm tỷ trọng thấp nhất là vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp TSCĐ chỉ chiếm 0,81% tương đương 45 tỷ đồng.

* Tình hình một số công trình trọng điểm:

+ Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/3/2016 công trình đã thực hiện được 1.848 tỷ đồng, đạt 95% so với tổng mức đầu tư, một số hạng mục công trình phụ vẫn đang tiếp tục triển khai. Trong tháng 3/2016 công trình thực hiện được 24.674 triệu đồng.

+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 15/3/2016 công trình đã thực hiện được 233,8 tỷ đồng, đạt 70,76% so với tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2016 đến nay công trình thực hiện được 4.432 triệu đồng, riêng trong tháng 3/2016 công trình đã thực hiện được 1.366 triệu đồng.

+ Công trình nhà ở xã hội: Tính từ khi khởi công đến 15/3/2016 đã thực hiện được 1.722 tỷ đồng, đạt 91,67% so với tổng mức. Từ đầu năm 2016 đến nay dự án đã thực hiện được 4.100 triệu đồng đạt 0,02% kế hoạch được giao, trong tháng 3/2016 công trình thực hiện được 500 triệu đồng.

3. Tình hình xây dựng

Ước tính quý I/2016 giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá thực tế đạt 3.374 tỷ đồng, tăng 2,76% so với quý I/2015, và bằng 60,2% so với quý trước. Trong đó, công trình nhà không để ở chiếm tỷ lệ cao nhất 33,95% (1.145 tỷ đồng), sau đó là công trình kỹ thuật dân dụng 29,1%, công trình xây dựng chuyên dụng 25,76%...

Trong quý I/2016, giá trị sản xuất ngành xây dựng của các doanh nghiệp xây lắp nhận thầu đóng trên địa bàn thành phố đạt 3.316 tỷ đồng, tăng 3,83% so với cùng quý năm 2015. Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính để chi trả các khoản cần thiết như vật tư, xăng dầu, lương công nhân, cộng với quá trình giải phóng mặt bằng và thu hồi vốn chậm thanh toán làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Dự kiến cuối quý I/2016 sẽ hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng các dự án của thành phố như: Cục Hải Quan, cục Thuế thành phố, khu phức hợp FPT. Cùng với chính sách điều chỉnh lãi suất ngân hàng, giá vật liệu tương đối ổn định, và thị trường bất động sản đang dần sôi động trở lại, tạo điều kiện cho việc triển khai các công trình, dự án xây dựng.

4. Về ngoại thương

* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2016 của TP Đà Nẵng đạt 87,1 triệu USD, tăng 33,71% so tháng trước, và tăng 1,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 2,05% so cùng kỳ và tăng 31,88% so tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,13% so cùng kỳ và tăng 32,32% so tháng trước; khu vực kinh tế tư nhân tăng 0,54% so cùng kỳ và tăng 38,16% so tháng trước.

Hàng nông lâm sản ước đạt 0,05 triệu USD (cùng kỳ năm trước không có XK hàng này); Hàng thủy hải sản ước đạt 10,1 triệu USD, bằng 95,56% so cùng kỳ năm 2015; Hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 76,9 triệu USD, tăng 1,87% so cùng kỳ năm 2015.

* Ước cộng dồn 3 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 245,09 triệu USD, tăng 3,11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Hàng thủy hải sản ước đạt 24,6 triệu USD, bằng 90,05% ; Hàng CN-TTCN ước đạt 220,3 triệu USD, tăng 4,76% so cùng kỳ năm 2015.

* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2016 đạt 83,2 triệu USD tăng 1,39% so cùng kỳ năm trước và tăng 39% so tháng trước (do tháng 02/2015 trùng vào thời gian nghỉ Tết dài ngày). Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 36 triệu USD, tăng 1,83% so cùng kỳ và tăng 47,26% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 30 triệu USD, bằng 98,29% so cùng kỳ và tăng 36,27% so tháng trước; khu vực kinh tế nhà nước đạt 17,3 triệu USD, tăng 6,26% so với cùng kỳ và tăng 28,43% so với tháng trước.

* Ước tính kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2016 là 220 triệu USD, tăng 1,96% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế tư nhân đạt 83,1triệu USD, tăng 0,04% so cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 91,1 triệu USD, tăng 2,27%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 45,7 triệu USD, tăng 4,98% so cùng kỳ năm 2015.

III. AN SINH XÃ HỘI, Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA

1. Lao động việc làm

Trong tháng 3/2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm. Đến dự phiên giao dịchcó 375 doanh nghiệp (220 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 5.146 lao động (trong đó 1.852 nữ). Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 3.294 người, lao động phổ thông 1.852 người.Trung tâm đã chắp nối, giới thiệu cho 1.024 lao động (412 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 732 người, lao động phổ thông 292 người. Kết quả phỏng vấn, sơ tuyển tại phiên giao dịch có 831 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công (378 nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 568 người, lao động phổ thông 263 người.

Trong quí I năm 2016, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố tạo việc làm cho 5.700 lao động đạt 17,81% kế hoạch năm, tăng 1,79% so với năm 2015. Thẩm định và giải ngân cho vay 1.049 triệu đồng, với 44 dự án, thu hút 46 lao động. Tính đến ngày 20/3/2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm. Đến dự các phiên giao dịchcó 677 doanh nghiệp (377 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 12.758 lao động (5.388 nữ). Trong đó: nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 7.809 người, lao động phổ thông 4.949 người. Trung tâm giao dịch việc làm đã chắp nối, giới thiệu cho 1.742 lao động (771 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 1.211 người, lao động phổ thông 531 người. Kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch có 1.347 lao động được kết nối, giới thiệu thành công (644 nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 905 người, lao động phổ thông 442 người.

Các sở ban ngành thành phố đang chuẩn bị công tác tổ chức lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ- PCCN lần thứ 18 trên địa bàn thành phố; thẩm định và cấp giấp phép cho 64 lao động người nước ngoài, xác nhận 20 trường hợp không thuộc diện cấp phép; tiếp nhận 965 người lao động đăng ký thất nghiệp; đã thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng cho 951 trường hợp.

2. Chính sách cho các đối tượng

Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, thành phố đã chi quà tết của Chủ tịch nước cho 31.327 đối tượng chính sách, tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng; quà của UBND thành phố cho các đối tượng chính sách, các đơn vị địa phương với tổng kinh phí 16,2 tỷ đồng. Vận động các cơ quan, đơn vị hỗ trợ 400 xuất quà cho hộ chính sách, kinh phí gần 200 triệu đồng; các quận, huyện, xã phường trích từ ngân sách địa phương tặng quà cho 16.515 đối tượng chính sách, tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng.

Thành phố cũng hỗ trợ gạo cho 13.675 hộ với 46.352 khẩu, với tổng số lương thực là 695 tấn gạo cho các hộ thiếu lương thực trong dịp Tết; hỗ trợ cho 02 cơ sở xã hội 1 tấn gạo do Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời tài trợ; ngoài ra, các quận huyện vận động hỗ trợ hơn 18 tấn gạo cho 301 hộ, đối tượng khó khăn trên địa bàn.Hỗ trợ bằng tiền, tặng quà cho 51.116 hộ, đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng xã hội và cơ sở có đối tượng nuôi dưỡng tập trung, với tổng số tiền là 15,4 tỷ đồng.

Trong đó: hỗ trợ 3.137 hộ nghèo không còn sức lao động với mức 1 triệu đồng /hộ; 1.960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn còn sức lao động với mức 550 ngàn đồng/ hộ; 6.515 hộ nghèo theo chuẩn của thành phố còn lại đầu năm 2016, với mức 250 ngàn đồng/ hộ. Tổng Kinh phí là 5,8 tỷ đồng. Hỗ trợ 31.514 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí là 7,878 tỷ đồng. 225 người ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động; 4.498 người hành nghề xe thồ, xích lô, tổng kinh phí 1,18 tỷ đồng. Hỗ trợ 321 người lao động tại bãi rác Khánh Sơn 160,5 triệu đồng.

Tổ chức đi thăm, tặng quà cho 26 cơ sở xã hội, từ thiện và 2.920 đối tượng XH nuôi dưỡng tập trung, phạm nhân đang bị giam giữ tại Trại giam Hòa Sơn nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, với tổng kinh phí 357 triệu đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ 540 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mức 200.000 đồng, với kinh phí 108 triệu đồng; hỗ trợ 70 đội viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng, mức 250.000 đồng/người, kinh phí 17,5 triệu đồng.

Thăm và tặng quà cho 213 người nghiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng cai nghiện ma túy và đang điều trị Methadone tại Trung tâm GD-DN 05-06 thành phố, kinh phí 59,5 triệu đồng; các sở ngành, Uỷ ban MTTQVN, hội đoàn thể thành phố, UBND các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã tặng trên 33.000 phần quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... trên địa bàn thành phố với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Tổ chức gặp mặt, thăm và tặng quà cho trên 2.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tổng kinh phí gần 01 tỷ đồng.

Ngoài ra Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố ký kết hợp tác với Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) và Hội Cứu tế Đông nam Á (SEAR) thực hiện Chương trình giúp đỡ trẻ em khó khăn trong năm 2016 với tổng kinh phí tài trợ 1,4 tỷ đồng; Trong quý I đã triển khai, thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí gần 250 triệu đồng.

Các chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù; trên địa bàn thành phố hiện có 56 cơ sở dạy nghề với quy mô đăng ký đào tạo là 50.919 học viên, trong đó, quy mô của các cơ sở dạy nghề công lập chiếm 47,81%, cơ sở dạy nghề tư thục chiếm 51,39% và cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,8% tổng quy mô.

Các ban ngành thành phố đã lập thủ tục và hướng dẫn các địa phương chi quà tết của Chủ tịch nước và UBND thành phố cho trên 70 nghìn lượt đối tượng chính sách, kinh phí trên 22 tỷ đồng; tổ chức tốt đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ VNAH” đối với 183 mẹ; phối hợp các địa phương, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo 264 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mức phụng dưỡng hàng tháng 1 triệu đồng trở lên; Trình Dự thảo Đề án và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 31/5/2009 của UBND thành phố.

Thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên, 1 lần theo Pháp lệnh ưu đãi người có công cho 4.472 lượt đối tượng chính sách; tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Đề án sửa chữa nhà ở cho đối tượng người có công năm 2016, đến nay đã có 437/1.331 nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng; miễn giảm tiền sử dụng đất cho 45 hộ, kinh phí gần 1,5 triệu đồng; tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức thực hiện Đề án Mộ, nghĩa trang liệt sĩ.

3. Giáo dục - Đào tạo

Ngày 3/3/2016, Hội Khuyến học thành phố phối hợp với Hội Từ thiện “Care the People” (Italia) tổ chức trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó trên địa bàn thành phố. Có 78 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập nhận được học bổng với tổng trị giá 102 triệu đồng. Trong đó: 70 học sinh các cấp nhận 1 triệu đồng/suất và 8 em sinh viên nhận 4 triệu đồng/suất. Đây là những món quà ý nghĩa, hỗ trợ, động viên các em vượt qua những khó khăn để không ngừng nỗ lực, vươn lên trong học tập.

Từ ngày 12/3/2016 đến 15/3/2016 tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai, đoàn học sinh trung học Đà Nẵng tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam với 6 dự án và có 4/6 dự án đạt giải: 2 giải nhì và 2 giải ba và 12 giải do các trường đại học, các tổ chức tặng. Cụ thể, 2 dự án đạt giải nhì: “Máy in chữ nổi dành cho người khiếm thị”; “Mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiểm cho dân cư khu vực lân cận bãi rác Khánh Sơn- Đà Nẵng”; 2 dự án đạt giải Ba: “Năng lượng cây xanh” ; “Robot tương tác từ xa”.

Tại kỳ thi Olympic Toán mở rộng Hà Nội năm 2016, do Viện Toán học Việt Nam phối hợp cùng Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 12/3/2016, đoàn học sinh thành phố Đà Nẵng xuất sắc giành 15 giải thưởng. Cụ thể, 10 học sinh đội tuyển Senior lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham dự đã xuất sắc đoạt 10 giải thưởng, gồm 1 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đội tuyển Junior 9 học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến đoạt 5 giải thưởng, gồm 3 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.

Ngày 14/3/2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng phối hợp với Công ty du học Atlantic tổ chức trao học bổng Soshi cho 32 học sinh Đà Nẵng. Học bổng Soshi của Tập đoàn giáo dục Soshi Nhật Bản dành cho học sinh các nước học tập tại Đại học Quốc tế Thái Bình Dương của tập đoàn này. Năm 2016, cả nước có 812 em được nhận học bổng gồm: 10 học bổng 100%; 339 học bổng 50% và 472 học bổng 30% với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng. Riêng Đà Nẵng đã có 83 học sinh dự thi, 32 học sinh đạt học bổng; trong đó có 1 học sinh đạt học bổng loại A (100% học phí), 10 học sinh đạt loại B (50% học phí) và 21 học sinh đạt loại C (30% học phí) với tổng giá trị học bổng hơn 7 tỷ đồng. Trị giá mỗi suất học bổng là hơn 150 triệu đồng/năm. Để dành được học bổng Soshi, học sinh phải có điểm tổng kết hằng năm từ 6,5 trở lên và trải qua cuộc thi viết trong 90 phút gồm 3 phần: trắc nghiệm Toán, trắc nghiệm ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật) và viết luận (tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Việt).

4. Hoạt động y tế

Ngày 10/3/2016, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và tổ chức Operation Smile Việt Nam đang phối hợp triển khai chương trình phẫu thuật nụ cười, do đoàn bác sĩ tổ chức Operation Smile thực hiện. Đối tượng được phẫu thuật miễn phí là trẻ em bị sứt môi từ 6 tháng tuổi và nặng 8kg trở lên; trẻ em bị hở vòm miệng từ 18 tháng tuổi và nặng 10kg trở lên; thanh-thiếu niên, người lớn bị khe hở môi, khe hàm ếch; không bị mắc các bệnh tim mạch, phổi, suy dinh dưỡng, hen suyễn, sốt cao hoặc các bệnh nội khoa khác...

Thành ủy Đà Nẵng vừa có Công văn về việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, trong đó đề cập việc cần tập trung nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết 46/NQ/TW, trọng tâm là: khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm tình hình của thành phố. Tiếp tục phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; chủ động, kịp thời phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Tính đến ngày 13/3/2016 trên địa bàn thành phố ước có 1.243 cas sốt xuất huyết, tăng 1.194 cas, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 151 cas, bằng 45,48% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 181 cas, không có trường hợp tử vong, bình quân 1 tuần có 14 cas bệnh; bệnh thủy đậu là 238 cas, bằng 57,77% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 174 cas, trung bình 1 tuần có 22 cas mắc thủy đậu.

5. Văn hóa đời sống

Bộ VH-TT&DL vừa công bố thêm 7 danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội cầu ngư Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng duy trì được 12 lễ hội cầu ngư, hầu hết địa phương nào có Lăng Ông thì nơi đó có Lễ hội. Vào ngày 24 và 25/3/2016, Lễ hội cầu ngư diễn ra tại phường Thọ Quang, Lễ hội Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) diễn ra từ ngày 25 đến 27/3/2016 tại phường Hòa Hải với nghi thức lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội sôi nổi…

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng thành phố (29/3/1975 – 29/3/2016), chương trình nghệ thuật “Sông Hàn - Hội trùng dương” với mức đầu tư hơn 500 triệu đồng sẽ được biểu diễn phục vụ miễn phí cho người dân và du khách tại cảng Sông Hàn vào tối 29/3/2016.

Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật khác cũng diễn ra hấp dẫn. Đó là chương trình Âm nhạc đường phố số đặc biệt tại vỉa hè phía đông đường Bạch Đằng vào tối 25/3/2016; chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp do Nhà hát Trưng Vương phối hợp với Trường Văn hóa nghệ thuật tổ chức tại khu công viên phía đông cầu Sông Hàn vào tối 27/3/2016. Chương trình nghệ thuật quần chúng do Trung tâm Văn hóa thành phố thực hiện vào tối 28/3/2016 tại khu công viên phía đông cầu Rồng. Các chương trình nghệ thuật quần chúng vào tối 28/3/2016 tại các trung tâm văn hóa-thể thao quận, huyện nhằm phục vụ người dân địa phương.

Ngoài ra, dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng thành phố, người dân Đà Nẵng và du khách có thể thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa khác. Từ ngày 18 đến 25/3/2016 Triển lãm ảnh đẹp thành phố Đà Nẵng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Triển lãm ảnh đẹp Clipper Race. Ngày 29/3/2016, sẽ diễn ra Lễ hội cồng chiêng, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơtu Quảng Nam - Đà Nẵng; quảng bá sản phẩm rượu cần Phú Túc của Hòa Vang tại Bảo tàng Đà Nẵng.

6. Trật tự an toàn xã hội

* Tình hình cháy nổ: Tính từ ngày 17/2/2016 đến ngày 17/3/2016 trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy. Trong đó, có 3 vụ cháy nhà dân và 1 vụ cháy khác. Uớc tính thiệt hại gần 420 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 18 vụ cháy. Trong đó có 11 vụ cháy nhà dân và 7 vụ cháy khác. Tổng giá trị thiệt hại ước gần 702 triệu đồng, không có thiệt hại về người.

* Tai nạn giao thông:

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động vận tải khách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trước, trong và sau Tết. Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến trọng điểm, tại các nút giao thông phức tạp, tập trung xử lý theo chuyên đề về vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, sử dụng bia rượu, chạy quá tốc độ; Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông, quản lý vận tải được triển khai kịp thời,… Qua đó, tình hình TTATGTduy trì ổn định, ùn tắc giao thông và đua xe trái phép không xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.

Tháng 3/2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 5 người. Hỏng 1 xe ô tô, 8 xe mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 18 triệu đồng. So với tháng 2/2016, không tăng không giảm; so với cùng kỳ năm 2015, giảm 2 vụ, giảm 3 người chết, số người bị thương không tăng không giảm.

Tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy: Không xảy ra.

Cộng dồn quý I/2016, tai nạn giao thông đường bộ có 28 vụ, làm chết 10 người, bị thương 24 người. Hỏng 1 xe ô tô, 32 xe mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 37 triệu đồng.

Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: phát hiện, lập biên bản 4.678 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt 3.296 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 2.479 triệu đồng. Tạm giữ 141 xe (9 ôtô, 132 môtô).Tước quyền sử dụng GPLX 397 trường hợp.

Cộng dồn quý I năm 2016: Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: phát hiện, lập biên bản 13.199 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt 10.486 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 7.954 triệu đồng. Tạm giữ 554 xe (33 ôtô, 521 môtô).Tước quyền sử dụng GPLX 1.448 trường hợp.

* Công tác kiểm tra, xử lý tệ nạn mại dâm:

Từ đầu năm 2016 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành thành phố đã tiến hành kiểm tra 08 cơ sở kinh doanh dịch vụ, Đội kiểm tra liên ngành các quận huyện kiểm tra 21 cơ sở và các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn, qua kiểm tra xử phạt 10 cơ sở, kinh phí 63 triệu đồng, nhắc nhở 19 cơ sở, đang trong quá trình xử lý 01 mại dâm đứng đường.

* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện:

Tính đến 15/3/2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có 554 học viên đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề tại Trung tâm GD-DN 05-06 (trong đó 529 học viên đang cai nghiện ở Trung tâm và 25 học viên đang ở cơ sở quản lý); có 331 người tham gia điều trị Methadone; 250 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú; 25 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng và 250 người trong diện quản lý sau.

Công an và phòng Lao động - TBXH các quận, huyện tổ chức khảo sát mại dâm đứng đường trên các tuyến đường trọng điểm; Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp tiến hành kiểm tra 143 cơ sở, qua kiểm tra đã nhắc nhở 132 cơ sở, xử phạt hành chính 11 cơ sở với tổng số tiền 57 triệu đồng.

7. Môi trường

Ngày 25/2/2016, lễ phát động “Chung tay xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đã được diễn ra. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, đề nghị các trường học tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp với định kỳ 2 tuần/lần; tổng dọn vệ sinh môi trường, lớp học, chăm sóc cây xanh, xóa quảng cáo, rao vặt trước cổng và khu vực xung quanh trường, tổ chức các đợt truyền thông bảo vệ môi trường tại các trường học nhằm thay đổi hành vi của học sinh để chung tay, chung sức bảo vệ môi trường. Đồng thời triển khai có hiệu quả các tiêu chí “Trường học xanh”; phát triển các mảng xanh trong trường học; thực hiện tốt “Tết trồng cây” tại các đơn vị … ./.


Website UBND thành phố Đà Nẵng

    Tổng số lượt xem: 1526
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)