Ngày 17/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức cuộc họp với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trung tâm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của 21 tỉnh, thành phố phía Nam để trao đổi chương trình kết nối cung-cầu nông sản, thực phẩm an toàn và xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư, thương mại của khu vực.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, việc xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư, thương mại có ý nghĩa hình thành cơ sở dữ liệu chung về các vấn đề đầu tư, thương mại của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tạm gọi là “mô hình 1 + 20.”
Dữ liệu dùng chung và được cập nhật thường xuyên để sử dụng, góp phần tạo thuận lợi cho các đoàn khách trong nước và quốc tế đến Thành phố Hồ chí Minh hay bất kỳ địa phương nào ở khu vực phía Nam.
Mỗi tỉnh, thành phố, khi đi xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài đều có thể dùng những thông tin trong dữ liệu này giới thiệu địa phương và cả khu vực phía Nam. Điều này vừa làm đa dạng, phong phú các sản phẩm tiếp thị, vừa tiết kiệm chi phí khi liên kết đi xúc tiến thương mại-đầu tư ở nước ngoài.
Tại cuộc họp, đại diện các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng thống nhất cùng nhau liên kết hành động vì nền nông nghiệp-sản xuất thực phẩm an toàn, tạo cầu nối cho các nhà cung ứng và nhà phân phối hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 25/5, ITPC sẽ là đầu mối nhận đăng ký từ các đơn vị có nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, ITPC sẽ đẩy mạnh kết nối giao thương giữa các nhà sản xuất rau củ, quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến an toàn với hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn; các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể; tiểu thương...
Theo các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, hiện nông dân ngày càng tăng cường tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ, cơ sở sản xuất thực hiện các quy trình sản xuất an toàn không chỉ theo tiêu chuẩn Việt Nam, mà còn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các đơn vị có nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn nếu sẵn sàng kết nối lâu dài với nhà sản xuất thì có thể đặt yêu cầu về chất lượng để được đáp ứng bền vững./.