(MPI) – Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 ở Việt Nam, ngày 19/5/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam với chủ đề: Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững – Việc của tất cả mọi người. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta đồng chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo: Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đại sứ quán, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các cơ quan thông tấn, báo chí. Hội thảo được tổ chức nhằm thông báo kế hoạch triển khai Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) trong thời gian tới, đặc biệt là việc khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV. Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về 3 vấn đề chính: Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV: Định hướng triển khai các mục tiêu PTBV ở Việt Nam; Rà soát ban đầu khung chỉ số đo lường toàn cầu các mục tiêu PTBV tại Việt Nam; Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về việc triển khai các mục tiêu PTBV.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York với 17 mục tiêu chung và 169 chỉ tiêu cụ thể. Các mục tiêu trong Chương trình được xem như định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của mình. Đồng thời, các quốc gia sẽ phải quyết định cách thức thực hiện lồng ghép những chỉ tiêu PTBV toàn cầu vào quá trình lập kế hoạch và xây dựng các chiến lược, chính sách của quốc gia.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi PTBV là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của mình. Quan điểm PTBV đã được lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 về PTBV (Agenda 21) của Liên hợp quốc thông qua việc ban hành Chương trình nghị sự 21 Việt Nam và Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, tư duy đột phá giúp xác định các mục tiêu toàn cầu và các mục tiêu đó đặt dấu mốc trong cách tiếp cận đối với phát triển toàn cầu. Chương trình nghị sự 2030 đưa ra một gói tích hợp, tổng quát, toàn diện nhằm tạo ra sự chuyển đổi toàn cầu lâu bền. Chương trình này được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cùng nhau xây dựng, nhất trí thông qua và nhận được sự ủng hộ chính trị ở cấp nguyên thủ nhà nước, trong đó Việt Nam được sự ủng hộ rất mạnh mẽ.
|
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Bà Pratibha Mehta khẳng định, Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ chung sức ưu tiên hỗ trợ Chính phủ lồng ghép các mục tiêu mới, đồng thời hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu PTBV là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hợp quốc tại Việt Nam trong những năm tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư