Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/06/2016-15:09:00 PM
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017
(MPI) – Ngày 02/6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (các bộ, ngành trung ương và địa phương) tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ thị nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 2017 đạt khoảng 6,8%

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chống đô la hóa trong nền kinh tế, hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với xây dựng thị trường mua bán ngoại tệ phù hợp; Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 khoảng 6,8%.

Tập trung thực hiện quyết liệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 theo đúng Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào 3 trọng điểm là: Tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công); Tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng (trọng tâm là các tổ chức tín dụng); Tái cơ cấu doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, với mục tiêu là tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp, tạo điều kiện để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đẩy mạnh vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trước ngày 31/12/2018; Chủ động, tích cực vận dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc; Đảm nhận các trọng trách quốc tế, nhất là đăng cai tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội

Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu lao động, ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu lao động; Tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động. Quản lý chặt chẽ lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người có công.

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc; Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các bệnh dịch lớn xảy ra; Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tập trung giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; Tăng cường biện pháp triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Thu ngân sách nhà nước 2017 dự kiến tăng trên 20%

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, đối với dự toán thu ngân sách nhà nước phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2017 khoảng 20 – 21%. Trong đó, dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 – 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiếu 5 – 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2017. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quyết toán; Kiểm tra, xét duyệt và thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 theo đúng quy định; Thực hiện công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những quy định trong Chỉ thị này, hướng dẫn cụ thể về nội dung và tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 phù hợp với quy định của Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước năm 2015./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2485
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)