Các bộ, ngành cần minh bạch thông tin về điều kiện kinh doanh và tiếp thu nhiều hơn các ý kiến của doanh nghiệp.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị" tổ chức ngày 14/6.
Hiện đang có khoảng 5.826 điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Chính vì thế, việc rà soát, sắp xếp, loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý là việc không hề dễ dàng nếu không triển khai một cách thực chất.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nếu ngành, nghề nào không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh thì có thể bỏ.
Sau khi Luật Đầu tư được ban hành, các bộ vẫn “vô tư” ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, hoàn toàn sai với tinh thần của Luật Đầu tư (không được phát sinh thêm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).
Thực tế, hiện nay có 50 nghị định về điều kiện kinh doanh được nâng cấp lên từ các thông tư, quy định nhiều ngành, nghề kinh doanh, nội dung tác động trực tiếp tới doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, một trong những người tham gia góp ý các dự thảo, cho biết việc bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không phải là chuyện ngày một ngày hai, vì vậy hiện nay, doanh nghiệp cần các bộ, ngành minh bạch thông tin về các điều kiện kinh doanh.
Theo ông Tuấn, trong 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh đã được trình Chính phủ, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được chưa đến một nửa.
Một trong những lý do là các bộ, ngành được phép áp dụng quy trình rút gọn trong việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh để bảo đảm tiến độ thời gian ban hành nghị định trước hạn chót là ngày 1/7/2016.
“Chúng tôi tìm thế nào cũng không đủ các dự thảo nghị định này, vì theo quy trình rút gọn, các bộ, ngành không cần phải xin ý kiến doanh nghiệp. Ngay cả những cái chúng tôi tìm được cũng khiến chúng tôi rất lo”, ông Tuấn bày tỏ.
Một điểm nữa mà đại diện cơ quan pháp chế VCCI băn khoăn là yếu tố “8 không” các quy định về điều kiện kinh doanh này, đó là: Không đăng dự thảo trên mạng, không lấy ý kiến doanh nghiệp, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không thuyết minh, không bản giải trình ý kiến.
Tinh thần của Luật Đầu tư quy định lý do ban hành điều kiện kinh doanh là quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều bộ vẫn giữ tư duy cũ, “lo hộ” doanh nghiệp trong nhiều văn bản đã khá rõ.
Một vấn đề nổi cộm mà các chuyên gia nêu lên là trong quá trình rà soát, nhiều cơ quan soạn thảo vẫn chưa tách bạch các điều kiện đầu tư kinh doanh để tiếp cận thị trường của các chủ thể với quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này sẽ kéo theo hệ quả là những ngành, nghề không cần thiết quy định điều kiện kinh doanh trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cũng khó được loại bỏ.
Có cùng quan điểm không hài lòng về “công nghệ” biến “điều kiện kinh doanh” thành “quy chuẩn kỹ thuật” gây khó khăn cho doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh nghĩ ra không cần thiết, vì không thấy rõ điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”./.
Anh Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ