(MPI) – Trong thời gian qua, theo đề nghị của Nhóm Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Hợp tác Phát triển Hiệu quả (GPEDC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ tiến hành cuộc khảo sát tiến độ thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Bu-san về Hợp tác phát triển hiệu quả được.
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp thông tin, dữ liệu do các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ cung cấp, Nhóm Khảo sát đã hoàn thành việc phân tích và đưa ra các nhận định, đánh giá thể hiện trong dự thảo Báo cáo kết quả khảo sát lần 2 tình hình thực hiện cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả năm 2016 của Việt Nam. Để đảm bảo Báo cáo này phản ánh đầy đủ, khách quan các thông tin và tiếp thu ý kiến của các cơ quan Việt Nam, các nhà tài trợ trước khi gửi GPEDC, ngày 17/6/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về số liệu, nội dung và các phát hiện thông qua cuộc khảo sát.
|
Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
GPEDC được thành lập tại Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về hiệu quả viện trợ (HLF-4) tổ chức tại Busan, Hàn Quốc năm 2011 với sự tham gia của 161 quốc gia và 54 tổ chức quốc tế. Đây là một diễn đàn chính trị tập hợp tất cả các nhân tố phát triển bao gồm các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, đại diện các nghị viện, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân,… trên phạm vi toàn cầu. GPEDC đã đưa ra các cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy các đối tác phát triển đóng góp vào quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs).
Để theo dõi tiến độ thực hiện các cam kết tại Busan, GPEDC thực hiện các cuộc khảo sát ở quốc gia và toàn cầu 2 năm một lần trước thềm Hội nghị cấp cao. Cuộc khảo sát lần 1 được thực hiện năm 2013 với sự tham gia của 46 quốc gia tiếp nhận viện trợ và 77 quốc gia và tổ chức hỗ trợ phát triển. Kết quả của cuộc khảo sát được trình bày tại Hội nghị cấp cao lần thứ 1 của GPEDC tại Mê-hi-cô vào tháng 4 năm 2014.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Điều phối viên quốc gia cuộc khảo sát cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia khảo sát lần 1 năm 2013 và để tiến tới chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 2 vào tháng 11/2016, tại Nai-rô-bi, Kê-ni-a, GPEDC tiến hành cuộc khảo sát lần 2 nhằm đánh giá tiến độ đạt được về hợp tác phát triển kể từ khi GPEDC được thành lập tại Busan năm 2011. Qua đó, xác định những thách thức và giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác phát triển ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Tại Hội thảo, GPEDC đã trình bày kết quả khảo sát lần 2 tình hình thực hiện cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả. Các chỉ số được thực hiện khảo sát, đánh giá bao gồm: (i) Hợp tác phát triển nhằm đáp ứng các ưu tiên phát triển của các nước đang phát triển; (ii) Sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự; (iii) Sự tham gia của khu vực tư nhân; (iv) Tính dự báo trước các nguồn vốn hợp tác phát triển; (v) Vai trò giám sát của Quốc hội; (vi) Chia sẻ trách nhiệm chung giữa các nhân tố phát triển có được tăng cường thông qua các lần đánh giá toàn diện; (vii) Mức độ bình đẳng giới và tăng quyền cho nữ giới; (viii) Hệ thống thể chế về tài chính, đấu thầu của các nước đang phát triển có được các nhà tài trợ hỗ trợ tăng cường và sử dụng hay không.
Đánh giá tổng quan về kết quả khảo sát, ông John Fargher chuyên gia tư vấn quốc tế cho rằng, vốn ODA vào Việt Nam ngày càng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với các nguồn vốn khác trong nền kinh tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Việt Nam đã phối hợp tốt với các nhà tài trợ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, tuy nhiên, cách thức cung cấp và tình hình giải ngân nguồn vốn này vẫn chưa thay đổi nhiều, các dự án ODA vẫn còn manh mún. Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ cần nghiên cứu để tạo được hiệu lực đòn bẩy hiệu quả hơn thông qua sử dụng nguồn vốn này. Theo ông John Fargher, để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hạ tầng, nhân lực và tập trung mạnh mẽ vào hội nhập, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự. Đồng thời, nâng cao tính giải trình của các bên và tiếp tục đảm bảo được hiệu quả nguồn vốn viện trợ.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Trong bối cảnh hiện nay, ODA vẫn là nguồn vốn quan trọng cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và với kết quả khảo sát lần này, Việt Nam sẽ đưa ra những khuyến nghị cấp cao để hướng tới những chính sách hiệu quả hơn, hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh huy động nguồn viện trợ ODA, Việt Nam thực hiện thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, nguồn thu nội địa,… Và để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam tiếp tục sử dụng nguồn lực công một cách hiệu quả cho các lĩnh vực xã hội, trẻ em và người nghèo; thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển bền vững vào kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao kết quả khảo sát lần 2 tình hình thực hiện cam kết toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả năm 2016. Qua đó, giúp các cơ quan Chính phủ và các nhà tài trợ theo dõi tiến độ thực thi cam kết hợp tác phát triển hiệu quả ở Việt Nam, hỗ trợ trách nhiệm giải trình chung, khuyến khích các bên liên quan hành động theo các cam kết, tăng cường đối thoại trên diện rộng cấp nhà nước và truyền tải thông điệp đối thoại toàn cầu, học hỏi và khuyến khích các hiệp định về hành động ưu tiên./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư