(MPI) – Ngày 30/6/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tư được ban hành với mục đích: Theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của các cấp, các ngành; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật, qua đó đảm bảo mục tiêu và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; Phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện; Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư.
Theo Thông tư, nguyên tắc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các nguyên tắc giám sát, đánh giá đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư; Đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; Không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra; Kịp thời, khách quan, chính xác và nghiêm minh; Công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình theo dõi, kiểm tra và đánh giá.
Theo dõi hoạt động đầu tư nước ngoài
Cơ quan nhà nước theo dõi dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo hai cách: theo dõi thường xuyên (theo hình thức gián tiếp và trực triếp) và theo dõi chuyên đề. Nội dung theo dõi tập trung vào các vấn đề: Tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Nhà đầu tư; Tình hình thực hiện dự án đầu tư, khai thác, vận hành dự án; Tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản của các dự án đầu tư; Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; Báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Về báo cáo tình hình theo dõi dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo chung về tình hình theo dõi dự án thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 02 của năm sau năm báo cáo theo các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá chung về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước; Đề xuất các giải pháp chính sách áp dụng thống nhất trên cả nước; Chấn chỉnh, đảm bảo đầu tư theo đúng quy hoạch, mục tiêu, tiến độ và đảm bảo hiệu quả.
Kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài
Theo Thông tư, kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài gồm 2 nội dung là kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, với nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài gồm: việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn theo thẩm quyền; Việc thực hiện luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài; Công tác xây dựng quy hoạch; Việc quy định ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bàn giao đất; Việc xử lý các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài… Với tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài cần kiểm tra: Tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; Tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành có quy định vốn pháp định); Tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiến độ triển khai dự án, việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án, việc thực hiện và chuyển giao công nghệ; Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước…);…
Hoạt động đầu tư nước ngoài được thực hiện kiểm tra theo 3 hình thức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên ngành tùy theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Theo đó, việc kiểm tra định kỳ phải có kế hoạch và được xây dựng thành văn bản riêng hoặc đưa vào nội dung của chương trình công tác của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư.
Thông tư cũng quy định rõ tùy theo nội dung và tình hình thực tế, đồng thời, căn cứ nhiệm vụ cụ thể, một cuộc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền có thể được thực hiện theo một hoặc kết hợp các cách thức kiểm tra sau: Thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài; Thông qua báo cáo bằng văn bản; Thông qua sơ kết, tổng kết; Họp, giao ban; Làm việc với cơ quan, đơn vị được kiểm tra và Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác. Kinh phí cho công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được cân đối, bố trí trong Ngân sách nhà nước cấp hằng năm và được thực hiện theo quy định tại các Điều 52, 53, 54 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý tài chính.
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp kế hoạch kiểm tra hằng năm đối với các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên phạm vi cả nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp kế hoạch kiểm tra hằng năm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kế hoạch kiểm tra được công bố và thông báo công khai trên trang tin điện tử của Cơ quan tổng hợp, Cơ quan chủ trì kiểm tra và trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra hoặc đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm lập báo cáo về kết quả kiểm tra và dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra phải được gửi lấy ý kiến của các cơ quan tham gia kiểm tra (trong trường hợp kiểm tra liên ngành) hoặc của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra (trong trường hợp thành lập Đoàn kiểm tra), trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Đánh giá đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư phải đánh giá kết thúc; Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức thực hiện đánh giá đột xuất và đánh giá tác động khi cần thiết. Nội dung đánh giá gồm 3 phần: đánh giá kết thúc, đánh giá tác động và đánh giá đột xuất.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2016 và thay thế Quyết định số 1190/QĐ-BKH ngày 19/9/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy chế về công tác kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư