(MPI) – Ngày 28/7/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra buổi họp đánh giá Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam năm 2013-2015 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa.
|
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tham dự buổi họp có đại diện các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các Đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng một số cơ quan liên quan của Việt Nam.
Kể từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành đối thoại chính sách cấp cao với các đối tác phát triển hằng năm dưới tên gọi là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện cộng đồng ngoại giao ở Việt Nam, Trưởng đại diện các cơ quan phát triển song phương và tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện của khu vực tư nhân cùng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và đại diện cấp cao của Chính phủ Việt Nam nhằm đối thoại cấp cao về các vấn đề chính sách có tính chất liên ngành, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chia sẻ ý tưởng về những thách thức, chính sách chủ yếu đang đặt ra đối với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các nhà tài trợ thực hiện khảo sát, đánh giá VDPF năm 2013-2015. Đây là cơ sở để xác định những định hướng tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Diễn đàn, đồng thời điều chỉnh hành động, định hướng tiếp theo để tối đa hóa hiệu quả đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển trong tương lai.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Theo kết quả khảo sát, các tổ chức Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhìn nhận VDPF như một hoạt động cấp cao nhất ở Việt Nam để trao đổi quan điểm giữa Chính phủ với các đối tác về những vấn đề chính sách quan trọng mà đất nước phải đối mặt; Là cơ hội đưa ra đường lối, chính sách của Việt Nam và lắng nghe ý kiến phản biện, đóng góp của các đối tác phát triển; Đây cũng là phương tiện để thúc đẩy đối thoại mở cấp cao đa chiều về các vấn đề chính sách liên quan tới nhiều lĩnh vực rộng lớn, chia sẻ những kinh nghiệm và những giải pháp có thể để vượt qua những thách thức để Việt Nam tự điều chỉnh chính sách của mình. Những ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển trên thực tế đã tác động tới tư duy, chính sách của Việt Nam, đưa ra những chính sách tốt hơn, hài hòa với khu vực, quốc tế và mang tính cạnh tranh cao hơn; Chính phủ Việt Nam sử dụng VDPF như một kênh thông tin giúp đối tác phát triển có cái nhìn tổng thể về Việt Nam để có sự hỗ trợ phù hợp hơn, để những hỗ trợ của các đối tác phát triển gắn kết với nhau hơn, tạo thành chuỗi, tác động tốt hơn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Diễn đàn còn là nơi Chính phủ Việt Nam học tập, tham khảo ý kiến của các quốc gia, đối tác phát triển, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình, góp phần minh bạch hơn. VDPF hỗ trợ quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.
Bên cạnh đó, VDPF cung cấp cơ hội cho các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ chia sẻ các ý tưởng và đề xuất với Chính phủ Việt Nam về những sửa đổi có thể một cách kịp thời trong quá trình phản hồi chính sách đối với các vấn đề liên quan tới những nội dung kinh tế và xã hội, những thách thức phát triển tổng thể đối với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong hơn 20 năm qua nhưng chưa bền vững. Do vậy, trong quá trình phát triển cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác phát triển để củng cố những thành quả đạt được.
|
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa.
Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Thông tin từ bà Victoria Kwakwa, kể từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã tham các cuộc đối thoại chính sách cấp cao với các đối tác phát triển để đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của mình, tìm hiểu về các dự kiến chính sách và đưa ra những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Qua đó, các nhà tài trợ quyết định hỗ trợ chính thức cho Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực thiết lập kênh đối thoại, Diễn đàn còn là kênh để huy động nguồn lực, cam kết viện trợ. Đồng thời khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình có thể các cơ quan phát triển thay đổi các ưu tiên của mình để phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam, do vậy, Diễn đàn là nơi để chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, từ đó đưa ra những phương án để Chính phủ Việt Nam lựa chọn theo định hướng phát triển. Trong thời gian tới, Diễn đàn cần tiếp tục đảm bảo ý nghĩa đối với Chính phủ cũng như các nước đối tác phát triển nhằm mục đích mang lại những giá trị tri thức mà Chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Tại buổi họp, đa số các đại biểu đều đánh giá tích cực đóng góp của Diễn đàn và cho rằng cần tiếp tục hình thức đối thoại này nhằm giúp tăng cường trao đổi thông tin giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ. Đồng thời giúp Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển xem xét, phối hợp thực hiện các ưu tiên của mình trong tương lai bằng việc chia sẻ kinh nghiệm và thông tin. Tuy nhiên, để Diễn đàn mang lại hiệu quả thiết thực cần có sự thay đổi như: Xây dựng các chủ đề trọng tâm; Sắp xếp chương trình nghị sự; Lập kế hoạch làm việc; Thành phần tham dự Diễn đàn; Hành động định hướng tiếp theo;…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư