Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/07/2016-10:46:00 AM
Tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT 7 tháng năm 2016
Báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

1. Tình hình thành lập KCN, KKT

1.1. Đối với KCN

Tính đến tháng 7/2016, cả nước đã có 316 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 88,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 60,2 nghìn ha, chiếm khoảng 67,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 218 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 59,5 nghìn ha và 98 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 28,9 nghìn ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 29,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 50%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 70%.

1.2. Đối với KKT

Trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập KKT Đông Nam, tỉnh Quảng trị và điều chỉnh mở rộng 02 khu kinh tế ven biển là KKT Đông Nam, Nghệ An và KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa. Tính đến tháng 6/2016, số lượng các KKT ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Trong 16 KKT ven biển có 34 KCN, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 15,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,5 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 14 KCN, khu phi thuế quan đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 4 nghìn ha và 20 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 3,5 nghìn ha.

2. Tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT

2.1. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN

Tính đến tháng 7/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký của 316 KCN đạt 3,3 tỷ USD và 214,4 ngàn tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 1,6 tỷ USD và 88,3 ngàn tỷ đồng, bằng 45% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

2.2. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT

Tính đến tháng 7/2016, trong các KKT cả nước có 159 dự án đầu tư hạ tầng đang được triển khai với tổng vốn đầu tư là 152,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 146 dự án đầu tư trong nước với quy mô 127 nghìn tỷ đồng và 13 dự án đầu tư nước ngoài với quy mô 1,16 tỷ USD.

3. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT

3.1. Tình hình đầu tư vào các KCN, KKT

Trong 7 tháng đầu năm 2016 các KCN, KKT đã thu hút được 506 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,1 tỷ USD và điều chỉnh tăng vốn cho 392 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 3,4 tỷ USD. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT tăng thêm 9,5 tỷ USD, chiếm 44% tổng số lượt dự án và chiếm 67% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm trong 7 tháng đầu năm của cả nước. Các KCN, KKT thu hút được 360 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 52.430 tỷ đồng.

Lũy kế đến tháng 7/2016, các KCN, KKT đã thu hút được gần 7.649 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 145,1 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 84,7 tỷ USD (bằng 58% vốn đầu tư đã đăng ký).

Các KCN, KKT đã thu hút được 7.327 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn xấp xỉ 1.386 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 692 ngàn tỷ đồng (bằng 49% vốn đầu tư đã đăng ký).

3. 2. Tình hình triển khai của một số dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn

Một số dự án quy mô lớn đầu tư tại các KCN, KKT gồm:

(1) Dự án: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (tổng vốn đầu tư đăng ký: 10,548 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện: 9,06 USD, tạo việc làm cho 6.000 lao động, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2016).

(2) Các Dự án của Tập đoàn SamSung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh (tổng vốn đầu tư đăng ký: 14,253 tỷ USD, tổng trị xuất khẩu năm 2015 đạt 33,4 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 118.350 lao động).

(3) Các dự án của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng (tổng vốn đầu tư đăng ký: 1,5 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện: 350 triệu USD, tổng giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 490 triệu USD, tạo việc làm cho 1.200 lao động. Vừa qua Tập đoàn LG đã được cấp GCNĐKĐT của dự án sản phẩm màn hình công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD.

(4) Dự án Intel tại TP Hồ Chí Minh (tổng vốn đầu tư đăng ký: 1,04 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện: 450 triệu USD, tổng giá trị xuất khẩu: 3,382 tỷ USD, tổng số lao động: khoảng 1.300 lao động).

(5) Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư đăng ký: 9,0 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện: 6,258 tỷ USD, dự kiến tháng 11/2016 sẽ chạy thử thiết bị và vận hành thương mại vào tháng 7/2017).

4. Tình hình sản xuất kinh doanh trong các KCN, KKT

Tính đến cuối tháng 7/2016, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2015:

- Tổng doanh thu đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015.

- Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt gần 53,5 tỷ USD, đóng góp gần 51% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2015).

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 52,8 tỷ USD, đóng góp 49% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 201).

- Đóng góp vào NSNN: hơn 66 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Trong 7 tháng đầu năm 2016, các KCN, KKT đã tạo thêm hơn 250 ngàn việc làm mới. Tổng số lao động trong KCN, KKT lũy kế đến hết tháng 7/2016 là hơn 3 triệu lao động.

Nhìn chung các KCN, KKT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm như nêu trên. Đặc biệt các KCN, KKT đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn và rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT, từng bước khẳng định Việt Nam như là một cứ điểm sản xuất công nghiệp toàn cầu.

5. Tồn tại và hạn chế

5.1. Chính sách, pháp luật đối với KCN, KKT còn chưa ổn định, còn chồng chéo với pháp luật chuyên ngành

Pháp luật hiện nay đã xác định vai trò, vị trí của Ban quản lý KCN, KKT là cơ quan một cửa, một đầu mối trong quản lý KCN, KKT nhưng được quy định tại văn bản pháp quy có tính pháp lý chưa cao (ở tầm Nghị định) do đó rất dễ bị thay đổi, chồng chéo thậm chí xung đột khi các văn bản pháp quy của pháp luật chuyên ngành (thuế, xuất nhập khẩu, thương mại, xây dựng, lao động, hải quan…) đều được ban hành có tính pháp lý cao hơn là Luật.

5.2. Chất lượng công tác thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa cao; các, KCN, KKT vẫn đặt mục tiêu thu hút đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực thiếu tính liên kết, hợp tác để xây dựng mô hình kinh tế liên kết ngành

Phần lớn các KCN, KKT được phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa xác định được các trọng tâm thu hút đầu tư của các KCN, KKT theo từng địa phương, từng vùng kinh tế. Quy hoạch nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN, KKT chưa được quan tâm thích đáng, dẫn tới việc thiếu hụt nguồn nhân lực cho một số dự án lớn đang triển khai.

5.3. Vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong KCN, KKT chưa được cải thiện rõ rệt.

Tại các địa phương tập trung nhiều KCN, việc giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân khó khăn, chậm triển khai. Việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức và công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh.

5.4. Việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT còn khó khăn

Nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT là rất lớn và còn phụ thuộc nhiều vào nguồn NSTW hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Việc huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KKT như trái phiếu chính phủ, ODA, các hình thức hợp tác công tư (PPP) còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các KKT ngoài nhóm KKT trọng điểm.

6. Giải pháp thực hiện

- Các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KCX, KCNC, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong KCN, KCX, KCNC, KKT theo quy định của Luật Đầu tư 2014 đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành cho phù hợp, tránh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

- Hoàn thành kết quả rà soát Quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.

- Tiếp tục tập trung đầu tư các KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư như (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, PPP…) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực đã thu hút được và các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác.

- Sửa đổi một số quy định vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT về ưu đãi thuế TNDN, chính sách tiền thuê đất đai, nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN; yêu cầu về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư; quy trình liên thông trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài; quy định cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những điều kiện đầu tư kinh doanh.

- Nghiên cứu, xây dựng và đa dạng hóa mô hình phát triển KCN như KCN sinh thái, KCN liên kết ngành, KCN hỗ trợ, KCN chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi để tăng cường tính liên kết ngành, lĩnh vực, tính chuyên môn hóa, tính tập trung để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như: điện tử, cơ khí, dệt-may, da-giày, chế biến thực phẩm... Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược cho các mô hình này.

- Nghiên cứu, pháp luật hóa mô hình KCN, đô thị, dịch vụ để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống và làm việc ổn định lâu dài cho người lao động và chuyên gia.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế có quy mô đủ lớn với cơ chế, chính sách vượt trội và có tính cạnh tranh quốc tế, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước tại một số địa phương có đủ điều kiện phát triển mô hình này.

- Xây dựng kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương./.

Vụ Quản lý các khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2700
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)