(MPI) – Ngày 18/8/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp các bên về Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021. Tham dự cuộc họp có ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện các cơ quan, tổ chức, đối tác phát triển và khu vực tư nhân.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh phát biểu khai mạc cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc cùng khởi xướng quá trình xây dựng Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 để xác định những lĩnh vực cần sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia ở Việt Nam và cam kết quốc tế, bao gồm cả Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong vòng 5 năm tới. Chương trình SDG có nhiều thử thách song rất phù hợp với các quốc gia có thu nhập trung bình đầy tham vọng như Việt Nam, mang lại cơ hội rất lớn nhằm hướng tới các thay đổi, bằng cách đổi mới, áp dụng công nghệ mới và mở rộng quan hệ đối tác, đặc biệt là đối với xã hội dân sự và khu vực tư nhân, tạo tiền đề cho tất cả các quốc gia xây dựng chương trình phát triển trong 15 năm tới.
Khác với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) chủ yếu sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), SDG đòi hỏi thêm hình thức cung cấp tài chính khác ngoài ODA, bao gồm cả nguồn vốn của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và nguồn vốn không thuộc ODA như vốn từ các quỹ toàn cầu hỗ trợ cho từng ngành, vốn dành cho lĩnh vực khí hậu… và tất cả các nguồn cung cấp tài chính này đều yêu cầu công tác điều phối tốt hơn và giải trình trách nhiệm cao hơn giữa các ngành và các Bộ.
Với bối cảnh phát triển thay đổi, Kế hoạch chiến lược chung phản ánh nhiều thay đổi cần thiết trong nước cũng như cách thức Liên Hợp Quốc hoạt động trong bối cảnh Việt Nam đã là quốc gia có thu nhập trung bình thấp và trong thời kỳ thực hiện các SDGs này. Kế hoạch mới này được xây dựng ở tầm chiến lược và xác định các kết quả phù hợp với ưu tiên quốc gia và dựa vào các lợi thế so sánh của Liên Hợp Quốc. Không giống với các kế hoạch trước đây, Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 chỉ dừng lại ở cấp kết quả, đây là quyết định chiến lược của Liên Hợp Quốc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tạo sự linh hoạt để kịp điều chỉnh theo tình hình và nhu cầu liên tục thay đổi tại Việt Nam.
|
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Các hoạt động can thiệp chiến lược theo đề xuất của Liên Hợp Quốc đã được điều chỉnh nhằm phù hợp với Việt Nam, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó Chính phủ có năng lực tốt hơn và nguồn lực nhiều hơn so với nhiều quốc gia có thu nhập thấp và kém phát triển. Để xác định ưu tiên cho các hoạt động can thiệp chiến lược của Liên Hợp Quốc, có 2 nghiên cứu đã được thực hiện: Đánh giá chung về thách thức phát triển của Việt Nam theo khung của SDGs và một phân tích khác dựa trên các cuộc tham vấn các bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và đối tác phát triển. Trong đó, đánh giá chung về quốc gia (CCA) bao gồm: Những vấn đề ưu tiên của quốc gia ghi nhận trong các chính sách, văn kiện, hiệp ước và thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam; Giai đoạn chuyển tiếp toàn cầu từ các MDGs sang SDGs; Năm nguyên tắc lập chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc (quyền con người, bình đẳng giới, bền vững môi trường, phát triển năng lực, quản lý dựa vào kết quả). Qua đó, CCA nêu bật được bản chất và phạm vi của các hình thức dễ bị tổn thương khác nhau: tình trạng tổn thương dai dẳng, tổn thương mới, tổn thương đa chiều.
|
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ
(UN Women) tại Việt Nam trình bày dự thảo Kế hoạch. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Dự thảo Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 đặt trọng tâm vào 4 lĩnh vực và đề ra các mục tiêu, kết quả đạt được trong thời gian tới. Lĩnh vực đầu tư vào con người trên cơ sở tình trạng bất công, bất bình đẳng và dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng; Kết quả đặt ra gồm có giảm đói nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương, công bằng về chăm sóc sức khỏe, công bằng về giáo dục và học tập có chất lượng. Trước các nguy cơ ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và thiên tai, lĩnh vực đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường đặt ra các kết quả: Phát triển các bon thấp, chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu; Quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Trên cơ sở năng suất giảm và tăng trưởng chưa mang tính toàn diện, lĩnh vực thúc đẩy thịnh vượng và quan hệ đối tác đặt ra kết quả cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế mới và thị trường lao động bao trùm, mở rộng cơ hội cho tất cả. Lĩnh vực thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện với các kết quả đặt ra: Ra quyết định có sự tham gia và các thể chế đáp ứng; Bảo vệ quyền con người, pháp quyền và tiếp cận pháp lý. Qua đó, tăng cường các cơ chế và thông lệ điều phối liên ngành của Chính phủ, nâng cao năng lực lập kế hoạch và năng lực quản lý, tăng cường các cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ, tăng cường hệ thống dữ liệu để lập kế hoạch dựa trên các bằng chứng, có theo dõi và đánh giá thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động với dân sự xã hội và hỗ trợ phát triển năng lực, thay đổi các chuẩn mực xã hội không còn phù hợp. Tổng ngân sách dự kiến cho Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 vào khoảng 420 triệu USD được huy động từ các nhà tài trợ ODA, các quỹ toàn cầu và quỹ theo chủ đề, các sáng kiến từ thiện và các quỹ dọc, đóng góp của Chính phủ thông qua các dự án/chương trình phát triển và các nguồn khác.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe trình bày về các nghiên cứu phân tích làm nền tảng của Kế hoạch chiến lược chung 2017-2021 và quan hệ đối tác để thực hiện Kế hoạch. Trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, Liên Hợp Quốc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xác định cụ thể các sáng kiến can thiệp, cũng như tiến hành xây dựng các cơ chế giám sát và báo cáo nhằm đảm bảo thực hiện trôi chảy kế hoạch từ tháng 01/2017./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư