(MPI) – Ngày 17/8/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương có buổi làm việc với TS. Yoon Dae-hee, nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách Hàn Quốc, Cố vấn cao cấp của Chương trình KSP; GS. Sang Woo Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản lý và Chính sách công, Viện Phát triển Hàn Quốc, Quản đốc Chương trình KSP, các chuyên gia của Hàn Quốc về Chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) năm 2016.
|
TS. Yoon Dae-hee, Cố vấn cao cấp của Chương trình KSP phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
KSP là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. KSP bao gồm nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển và tăng cường năng lực, nhằm hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua các kinh nghiệm của Hàn Quốc. KSP phân tích các vấn đề kinh tế của một quốc gia từ nhu cầu và đưa ra các phương án chính sách mang tính thực tế, hữu ích dựa trên những trường hợp và kinh nghiệm tương tự của Hàn Quốc. Mục tiêu bao trùm của Chương trình là hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và các nỗ lực tái cơ cấu thể chế của các quốc gia đối tác phát triển thông qua chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá, kết quả Chương trình KSP của Hàn Quốc dành cho Việt Nam đã mang lại nhiều ý nghĩa đối với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2004 đến nay, chương trình KSP đã thực hiện nghiên cứu cho gần 50 chuyên đề, trong đó đã có 29 chuyên đề được dịch ra tiếng Việt, xuất bản thành ấn phẩm gửi tới các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các đơn vị, cá nhân có liên quan và mang lại hiệu quả cao, là tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà nghiên cứu, các học giả cũng như những nhà hoạch định chính sách.
KSP 2016 tập trung vào 3 chuyên đề nghiên cứu bao gồm: Hỗ trợ nghiên cứu chính sách hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - Trường hợp cụm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử tại khu vực Hà Nội, kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam (tiếp theo năm 2015); Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tư nhân hóa các dịch vụ công cộng và hỗ trợ Việt Nam xác định khái niệm và tiêu chí phân loại các dịch vụ công phục vụ cho kế hoạch tư nhân hóa trong giai đoạn 2016-2020; Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả làm việc của công chức Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Bàn về các nội dung trong chuyên đề nghiên cứu, các đại biểu Việt Nam đánh giá, những kinh nghiệm chia sẻ từ phía Hàn Quốc mang tính lý luận, khoa học và kế thừa, đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong việc tăng cường chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp nội địa, cũng như phát triển cụm công nghiệp điện tử tại khu vực Hà Nội. KCN hỗ trợ Nam Hà Nội được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước tại Công văn số 1150/2010/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã đảm bảo hạ tầng đồng bộ để các nhà đầu tư có mặt bằng triển khai các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng 640 ha và thu hút bố trí mặt bằng nhà xưởng cho các doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 9028/QĐ-BCT ngày 08/10/2014, trong đó tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Ngày 03/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đó là nền tảng pháp lý phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá cao các chuyên đề nghiên cứu đặt ra trong KSP 2016 và cho biết, các doanh nghiệp điện tử lớn của Hàn Quốc (Samsung, LG…) hiện đang đầu tư tại Việt Nam, ngày càng mở rộng sản xuất với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành đại bản doanh sản xuất, song thực tế hiện nay mọi linh kiện, thiết bị đều nhập khẩu, phần tham gia của Việt Nam chủ yếu là công lắp ráp của người lao động, sản xuất miếng dán màn hình, tỷ trọng giá trị nội địa trong một sản phẩm quá thấp. Thứ trưởng mong rằng, nghiên cứu sẽ nêu rõ những điều kiện, tiêu chí Việt Nam cần có để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nói chung và công nghiệp điện tử nói riêng.
Để triển khai tư nhân hóa các dịch vụ công, tập trung vào hai lĩnh vực y tế và giáo dục, theo Thứ trưởng, cần từng bước chuyển dịch các cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo sang mô hình tự chủ, trước khi tư nhân hóa hoàn toàn. Việc đánh giá công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay chưa rõ ràng, minh bạch do số lượng lớn, tiêu chí đánh giá còn chung chung, cơ chế sa thải khó thực thi, do vậy rất cần kinh nghiệm chia sẻ của Hàn Quốc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này. Hai bên thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi, chia sẻ thông tin từ cả hai phía để những kết quả nghiên cứu đưa ra có ý nghĩa thiết thực nhất, góp phần giải quyết bài toán phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư