Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/08/2016-16:38:00 PM
Hội thảo Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 23/8/2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, các chuyên gia cố vấn của WB, chuyên gia kinh tế của Việt Nam và đại biểu đến từ nhiều bộ, ban, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Từ kinh nghiệm quốc tế về cải cách khu vực DNNN, chuyên gia Dag Detter của WB cho rằng, quản lý tốt vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Hiện nay, các DNNN và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước có tổng giá trị tài sản trên 5.408 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần GDP hằng năm. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các nguồn lực này còn thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) bằng một nửa so với doanh nghiệp khu vực tư nhân, phần lớn các bất động sản trong khu vực Nhà nước không thể hiện rõ năng suất và lợi ích sử dụng... Vì vậy, nếu gia tăng hiệu quả kinh tế của các nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ cải thiện đáng kể GDP, giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội khác.

Chuyên gia Dag Detter cũng nhấn mạnh, cải cách DNNN là một quá trình, nhiều nội dung và công đoạn, nhưng nội dung quan trọng nhất là vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh phải được quản lý bằng chuyên môn, chuyên trách và chuyên nghiệp, tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường đúng như khu vực tư nhân. Đây là nền tảng cho sự ra đời của các cơ quan chuyên trách thực hiện quyền sở hữu nhà nước. Để quản lý tốt vốn nhà nước, bước thực hiện đầu tiên là phải có hệ thống dữ liệu tích hợp toàn bộ tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực, trên cơ sở giá thị trường và được kiểm toán độc lập. Đồng thời, xây dựng bản cân đối để hình thành mẫu cơ bản cho báo cáo kiểm toán lần đầu và báo cáo năm; xây dựng kế hoạch kinh doanh toàn diện…

Là một phần nội dung quan trọng của Hội thảo, các chuyên gia tư vấn của WB đã đưa ra nhiều ý kiến bình luận, góp ý về mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước trong dự thảo Nghị định thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Chuyên gia William P. Mako cho rằng, hiện nay kết cấu quản trị DNNN còn manh mún, mỗi bộ ngành phụ trách một vài DNNN, vì vậy, nếu vận hành có hiệu quả mô hình cơ quan chuyên trách sẽ là bước đột phá lớn, tuy nhiên đây là mục tiêu đầy tham vọng và khó khăn. Góp ý cụ thể cho mô hình này, chuyên gia William P. Mako đề nghị không nên tổ chức thành các phòng, ban theo kiểu hành chính lâu nay, mà phải tổ chức thành các nhóm chuyên gia.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông - Trưởng ban soạn thảo Nghị định cho rằng, mục tiêu lớn nhất của việc thành lập cơ quan chuyên trách là tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp của các thành phần kinh tế và thúc đẩy cai cách kinh tế thị trường. Trong nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, cơ quan này không chỉ hướng vào việc kinh doanh vốn nhà nước mà còn thực hiện đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mới để thúc đẩy, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là đầu tư vào những ngành mà khu vực tư nhân không muốn hoặc chưa đủ khả năng đầu tư do yếu tố quy mô. Đây là điểm khác biệt so với các mô hình cơ quan chuyên trách tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp.

Về cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên trách thì còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, tuy nhiên nguyên tắc chung là cơ quan chuyên trách không trực tiếp điều hành hoạt động của từng doanh nghiệp, mà quản lý bằng cơ chế ràng buộc trách nhiệm mang tính "hợp đồng" trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao. Quản lý nhân sự và tài chính của cơ quan chuyên trách thực hiện theo nguyên tắc thị trường về tiền lương, chế độ đãi ngộ và phải có trách nhiệm giải trình, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch…/.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2914
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)