Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/08/2016-11:30:00 AM
Hội thảo tham vấn kết quả rà soát mục tiêu phát triển bền vững
(MPI) - Trong khuôn khổ các hoạt động triển khai Chương trình nghị sự 2030, ngày 30/8/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả rà soát các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) số 9 và số 11 bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững, toàn diện và tăng cường phát minh, sáng kiến; Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường,
Phó Chánh Văn phòng PTBV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Chương trình nghị sự 2030 (CTNS 2030) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015, tại New York, có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. CTNS 2030 đưa ra tầm nhìn cho giai đoạn 15 năm tới với 17 mục tiêu PTBV và 169 chỉ tiêu, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động tiếp nối.

Để triển khai thực hiện CTNS 2030, Việt Nam đang dự thảo xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng và ưu tiên phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn, kế thừa từ các chiến lược, chính sách, chương trình kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu, quan trọng của quốc gia, bao gồm: Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam (CTNS 21), Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Qua đó, xác định những mục tiêu, chỉ tiêu còn thiếu, đánh giá mức độ phù hợp và khả thi với điều kiện và tình hình thực tế Việt Nam; Đề xuất các giải pháp để hài hòa hóa những sự thiếu hụt và khác biệt, giải pháp để bổ sung hoặc điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu cũng như khái niệm và nội hàm cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Đề xuất danh sách mục tiêu, chỉ tiêu PTBV được quốc gia hóa cho Việt Nam (VSDGs) với lộ trình thời gian thực hiện trong vòng 15 năm; Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện VSDGs; Xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện, theo dõi, đánh giá cũng như cơ chế phù hợp để thực hiện VSDGs.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Trên cơ sở rà soát mức độ phù hợp, mức độ lồng ghép các mục tiêu chung của CTNS 2030 với hệ thống chính sách, Việt Nam đã đề ra các VSDGs đối với Mục tiêu số 9 bao gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, bền vững và kiên cố, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống để hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững, với trọng tâm tiếp cận công bằng và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững, có sự tham gia và đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ việc làm và tổng sản phẩm quốc nội của ngành công nghiệp; Tăng khả n ăng tiếp cận của các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, đối với các dịch vụ tài chính, trong đó có vay vốn trong khả năng chi trả và sự tham gia của doanh nghiệp vào thị trường và chuỗi giá trị; Đến năm 2030, nâng cấp kết cấu hạ tầng và hỗ trợ các ngành để phát triển bền vững, đi đôi với tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và sử dụng công nghệ và quy trình sản xuất sạch và tốt cho môi trường; Tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp, khuyến khích sáng chế phát minh và đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và tăng chỉ tiêu cho nghiên cứu và triển khai; Hỗ trợ phát triển, nghiên cứu và đổi mới công nghệ, bao gồm đảm bảo môi trường chính sách thuận lợi cho việc đa dạng hóa công nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

VSDGs Mục tiêu số 11 bao gồm các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả mọi người dân được tiếp cận với những dịch vụ cơ bản và dịch vụ nhà ở phù hợp, an toàn và trong khả năng chi trả và nâng cấp các khu ổ chuột; Đến năm 2030, tất cả mọi người dân được tiếp cận với hệ thống giao thông an toàn, trong khả năng chi trả, thuận tiện và bền vững, cải thiện an toàn giao thông, nhất là thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người già; Đến năm 2030, tăng cường đô thị hóa toàn diện và bền vững, tăng năng lực lập quy hoạch và quản lý định cư có sự tham gia, được lồng ghép và bền vững; Tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn di sản tự nhiên và văn hóa thế giới; Đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và số người bị ảnh hưởng, giảm đáng kể tỷ lệ phần trăm thiệt hại kinh tế trực tiếp do thảm họa gây ra so với GDP, chú trọng bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương; Giảm thiểu tác động có hại của môi trường tới con người tại các đô thị thông qua việc tăng cường chất lượng quản lý đô thị và môi trường; Đảm bảo khả năng tiếp cận với không gian công cộng xanh, an toàn và công bằng cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật; Hỗ trợ kết nối thông suốt về kinh tế, xã hội và môi trường giữa nội, ngoại thành và nông thôn thông qua việc tăng cường công tác quy hoạch phát triển quốc gia và vùng; Đến năm 2020, tăng đáng kể số các thành phố và khu định cư áp dụng các kế hoạch và chính sách tích hợp hướng tới sự bao trùm, hiệu quả nguồn lực, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu trước thảm họa.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra ý kiến góp ý về những VSDGs đã được đặt ra, cũng như đề xuất các hoạt động, giải pháp để việc thực hiện VSDGs thuận tiện và đạt hiệu quả cao nhất./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1687
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)