Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/08/2016-15:37:00 PM
Tọa đàm Xúc tiến đầu tư Việt Nam – Cu-ba (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 30/8/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm Xúc tiến đầu tư Việt Nam – Cu-ba để trao đổi kinh nghiệm trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Cu-ba.

Tham dự Tọa đàm, về phía Cu-ba có ông Heminio Lopez Diaz, Đại sứ nước Cộng hòa Cu-ba tại Việt Nam; ông Oscar Perez Oliva Fraga, Giám đốc Đặc khu Phát triển Mariel cùng các cán bộ Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài; Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (KKT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam đang quan tâm đầu tư sang thị trường Cu-ba.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến nay Việt Nam có 1103 dự án đầu tư tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên 20 tỷ USD chủ yếu trong các lĩnh vực: dịch vụ, viễn thông, khai khoáng, tài chính, ngân hàng, … Tuy nhiên, Việt Nam mới có 1 dự án đầu tư với quy mô 9,3 triệu USD tại Cu-ba và Cu-ba có 2 dự án đầu tư với quy mô 15,2 triệu USD tại Việt Nam. Điều đó cho thấy kết quả đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp còn thiếu các thông tin về cơ chế, chính sách đầu tư, …

Ông Heminio Lopez Diaz, Đại sứ nước Cộng hòa Cu-ba tại Việt Nam cho biết, năm 2014, Chính phủ Cu-ba đã ban hành Luật đầu tư mới và đây là thời điểm thích hợp để hai nước tăng cường đầu tư, hợp tác. Chính phủ Cu-ba đã sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cu-ba.

Giới thiệu về đặc khu Phát triển Mariel, ông Oscar Perez Oliva Fraga, Giám đốc đặc khu Phát triển Mariel cho biết, đặc khu Phát triển Mariel là một trong những trụ cột của mô hình kinh tế hiện tại của Cu-ba, có một khung pháp lý riêng và cung cấp một tập hợp các lợi thế cho các nhà đầu tư. Đặc khu đang quan tâm thu hút các lĩnh vực như: dịch vụ Logistics; Công nghệ sinh học và công nghiệp dược; Công nghệ sản xuất tiên tiến (thực phẩm, đóng gói và bao bì, vật liệu và công nghệ xây dựng, chế biến thép và hàng tiêu dùng). Đối với các doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài hoạt động, đầu tư tại Đặc khu sẽ được hưởng lợi từ chế độ thuế đặc biệt, trên cơ sở bình đẳng với các hình thức đầu tư khác. Quá trình phê duyệt đầu tư chỉ qua hai cấp là Tổng Giám đốc của Văn phòng Đặc khu Phát triển Mariel và Hội đồng Bộ trưởng, trong khoảng thời gian từ 35 đến 65 ngày. Đồng thời, doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu đãi thuế 0% như chuyển vốn về nước, sử dụng lực lượng lao động, đóng góp vào Quỹ Phát triển Địa phương, Thuế nhập khẩu đối với quá trình đầu tư, lợi tức trong 10 năm đầu tiên, doanh thu bán hàng và dịch vụ trong năm đầu tiên. Sự thuận lợi của Đặc khu Phát triển Mariel còn nằm ở vị trí đắc địa tại các giao lộ của các trục giao thông hàng hải quốc tế, có những bến container hiện đại trong cảng biển nước sâu, gần thủ đô Ha-va-na, các trường đại học, viện nghiên cứu, sân bay.

Trình bày về phát triển KKT ở Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung vào mô hình KKT ven biển Việt Nam, gồm khu dân cư, khu du lịch, khu dịch vụ, gắn với cảng biển, sân bay, diện tích từ 10.000 hecta trở lên. Ông Vũ Quốc Huy cho biết, từ năm 2003, Việt Nam đã thành lập 16 KKT ven biển tại 16 tỉnh và tính đến tháng 6/2016, Việt Nam có 329 dự án FDI, thu hút 39,7 tỷ USD; Vốn đầu tư thực hiện khoảng 50% và 1024 dự án trong nước (787 nghìn tỷ đồng); Vốn thực hiện đạt khoảng 44%. Tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu đạt 5272 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Chính sách chung đối với KKT là thực hiện thống nhất theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và KKT; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và KKT và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và KKT; Tăng cường cơ chế phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT thực hiện chức năng cơ quan đầu mối quản lý.

Về Chính sách đầu tư đối với KKT thực hiện theo Luật đầu tư và Nghị đinh số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư. Về Chính sách ưu đãi đầu tư đối với KKT, thực hiện theo pháp luật đầu tư và pháp luật thuế, tài chính, đất đai: KKT thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Đầu tư hạ tầng KKT thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án đầu tư vào KKT sẽ được áp dụng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, …

Về định hướng phát triển KKT, ông Vũ Quốc Huy cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong phát triển KKT như rà soát, điều chỉnh thường xuyên quy hoạch phát triển KKT đảm bảo phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương và khả năng thu hút đầu tư của khu vực. Huy động đa dạng hóa các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KKT đặc biệt là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư, tăng tỷ trọng ngành công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, chú trọng tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài KKT.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Tọa đàm, ông Phùng Đức Trung, Giám đốc Tài chính Công ty Thái Bình Corp cũng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, đầu tư tại Cu-ba. Ông Trung cho biết, Chính phủ Cu-ba đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, điển hình là Đặc khu Phát triển Mariel có những chính sách thuế ưu đãi rõ ràng. Đặc khu Mariel thực hiện cơ chế một cửa nên nhà đầu tư khá thuận lợi trong thực hiện công việc, thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, nguyên vật liệu sản xuất đều phải nhập khẩu nên chi phí xây dựng nhà máy ở Cu-ba cao hơn ở Việt Nam.

Tọa đàm là dịp để cung cấp thông tin thiết thực về cơ hội, môi trường, chính sách đầu tư của hai nước, qua đó sẽ tăng cường hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Cu-ba và ngược lại./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2506
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)