(MPI) – Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016 và Nghị quyết số 23/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015, nhất quán với mục tiêu tái cơ cấu đã đặt ra tại Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Dự thảo nêu ra 3 mục tiêu thành phần của tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và phát triển bền vững; Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế thông qua việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế; Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo Dự thảo, tái cơ cấu nền kinh tế cần tiếp tục được đẩy mạnh đồng thời theo hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau, đó là: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế; Áp dụng chiến lược tái cơ cấu kinh tế ngành có trọng điểm, ưu tiên dành nguồn lực quản lý và sản xuất cho việc phát triển các ngành kinh tế ưu tiên và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách toàn diện vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, qua đó để thị trường có vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực sản xuất.
Bên cạnh đó, chú trọng ban hành và thực hiện các hành động, giải pháp tái cơ cấu cụ thể, có thể đo lường kết quả và có tác động mạnh và kịp thời trên thực tiễn. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước là lực lượng chủ chốt thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Các chính sách và biện pháp ưu tiên tái cơ cấu kinh tế cần được triển khai cụ thể ở cấp độ từng dự án đầu tư do các doanh nghiệp tư nhân khởi xướng và thực hiện.
Đồng thời, với tăng trưởng kinh tế có trọng điểm, cần bảo đảm sự phát triển bao trùm và bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên mục tiêu trung và dài hạn, nâng cao chất lượng tăng trưởng… Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, lồng ghép việc thực hiện các cam kết quốc tế với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nước…
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tập trung vào 10 nội dung sau: Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững; Tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên; Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vào đổi mới căn bản thể chế và cách thức huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội; Tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân; Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới; Thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng đất đai trên cơ sở phát triển thị trường đất đai; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng tăng và Tái cơ cấu cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.
Theo Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu, điều phối của Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án có trách nhiệm xây dựng dự án đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn tái cơ cấu kinh tế quốc gia. Tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và chế độ thông tin, báo cáo về triển khai thực hiện Đề án.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí giám sát tăng trưởng kinh tế theo mô hình mới. Kiểm tra, giám sát, đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế của các ngành, lĩnh vực, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; Kịp thời đề xuất với các Bộ, cơ quan, địa phương hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh./.
File đính kèm: DUTHAODEANTAICOCAUKT2016.2020.pdf
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư