(MPI) – “Cánh cửa đi tới thành công đã mở, các cơ hội đã và đang dần hình thành, lối đi đã rõ, điều kiện đã đủ. Như vậy, không có lý do gì có thể ngăn cản các bạn và chúng tôi cùng hợp tác và thành công” là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hội thảo thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 06/9/2016, tại Washington D.C, Hoa Kỳ.
|
Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN ngày 25/8/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu trước khoảng 150 đại biểu là Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, các học giả chính sách Washington, các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ và Đại sứ quán các nước ASEAN tham dự Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt và mong muốn sẽ thúc đẩy mối quan hệ này một cách mạnh mẽ, chặt chẽ và sâu sắc hơn trong mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sẽ ký kết thêm nhiều hiệp định nữa, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên đang trong quá trình hoàn tất sẽ mang lại cơ hội to lớn để cộng đồng doanh nghiệp của hai nước nhanh chóng nhận diện vị trí của mình, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tham gia các sân chơi mới, cùng nhau chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội, phát huy những lợi thế để phát triển và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên một tầm cao mới, sâu sắc hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những cơ hội mới do hội nhập đem lại kết hợp với những động lực quyết tâm mới của cả hai nước sẽ tạo nên nền tảng niềm tin vững chắc, tạo đột phá trong hợp tác, phát triển, đầu tư, kinh doanh và thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, ổn định và đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người hiện nay khoảng 2.100 USD, quy mô nền kinh tế đạt hơn 200 tỷ USD. Thu hút được khoảng 290 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó quy mô vốn giải ngân đạt gần 150 tỷ USD, với gần 20.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 có sự cải thiện đáng kể, tăng 12 bậc so với năm 2014.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục nỗ lực và quyết tâm hơn để vượt qua những nguy cơ về tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, biến đổi khí hậu và thách thức nội tại của hội nhập. Để làm được điều này, Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng trưởng xanh và mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.
Thực tế, nhiều tiến trình đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Một là, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế với 3 lĩnh vực chính: tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào đổi mới hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hai là, thực hiện nhanh, hiệu quả 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Ba là, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp trên quan điểm coi khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được những lợi thế của nền kinh tế. Tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương. Với số dân 92 triệu người, Việt Nam có lợi thế cung cấp một lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh khi gắn với đột phá chiến lược về nguồn nhân lực mà Việt Nam đang thực hiện. Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.
Với tất cả những tiến trình quan trọng đang diễn ra, cũng như với những lợi thế vốn có và lợi thế do hội nhập đem lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng Việt Nam vẫn duy trì được danh tiếng là một điểm đến hấp dẫn, thuận lợi và an toàn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Tính đến nay, đã có 820 dự án của Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,8 tỷ USD đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều Tập đoàn lớn như: Intel, GE, Boeing, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Caterpila, Metlife, UPS, Exxon Mobil... Cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thể hiện vai trò quan trọng và có những đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Để làm được điều này, Việt Nam đã mở ra 3 định hướng lớn để khuyến khích thành lập doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ: Một là, thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm đối tác chiến lược trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam kêu gọi đối tác chiến lược từ Hoa Kỳ đầu tư gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; Nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Cung ứng nguyên vật liệu; Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển thị trường tiêu thụ.
Hai là, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam dự kiến sẽ sớm thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thiết lập khung pháp lý với các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng, ưu đãi về thuế, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất, hiệu quả và bền vững. Việt Nam mong muốn kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường toàn cầu.
Ba là, phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng. Đây là mô hình phù hợp để Việt Nam thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Khuôn khổ pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP đã được hình thành, tạo tiền đề mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt và cơ chế thông thoáng. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ công bố danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong các lĩnh vực như: môi trường, sinh học, phát triển hạ tầng, Logistics, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hàng hải...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn, Hoa Kỳ sẽ sớm thông qua Hiệp định TPP, có vậy cánh cửa đi tới thành công của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam mới được mở trọn vẹn. Đồng thời đề nghị Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư