Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/09/2016-11:19:00 AM
57 dự án mời gọi các doanh nghiệp Pháp vào đầu tư

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)
Trong chuỗi sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần 10, chiều 15/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "Xúc tiến Đầu tư-Thương mại Việt-Pháp" với chủ đề “Hợp tác phát triển nông nghiệp và du lịch bền vững."

Tọa đàm thu hút sự tham gia của 34 tỉnh, thành và 50 doanh nghiệp Việt Nam cùng đại diện của bốn thành phố gồm thành phố Brest, Choisy-le-roi, Rennes, cộng đồng đô thị Le Grand Perigueux và 20 doanh nghiệp của Pháp.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết mục đích buổi tọa đàm nhằm thông tin về những cơ hội đầu tư vào 35 tỉnh, thành đang có nhu cầu hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Pháp. Đây là cơ hội để các địa phương có dịp quảng bá về tiền năng, lợi thế và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, giới thiệu các dự án trọng điểm để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng của Việt Nam và Pháp tham gia hợp tác đầu tư...

Tại buổi tọa đàm, 28 tỉnh, thành của Việt Nam cũng đã giới thiệu với doanh nghiệp Pháp 57 dự án mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực như y tế, môi trường, nông nghiệp, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistics...

Trong số này, tỉnh Long An mời gọi đầu tư vào dự án “Xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An,” với tổng vốn đầu tư 18,3 triệu USD; Cà Mau kêu gọi đầu tư “Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai” với tổng vốn 3,5 tỷ USD; Khánh Hòa với dự án “hạ tầng Khu công nghiệp Cam Ranh” với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD...

Tỉnh An Giang cũng giới thiệu mời gọi đầu tư hai dự án, “Xây dựng Bệnh viện tim mạch chuyên khoa hạng 1 cấp vùng” và dự án “Chống ngập và nâng cấp đô thị thành phố Châu Đốc thích ứng biến đổi khí hậu;” tỉnh Bình Định mời gọi đầu tư vào dự án “Nhà máy cá ngừ đống hộp.”

Thành phố Cần Thơ cũng giới thiệu hai dự án đầu tư với doanh nghiệp Pháp như, dự án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” với tổng vốn đầu tư 26 triệu USD; dự án “Khu du lịch Cồn Sơn” tổng vốn đầu tư 100 triệu USD...

Theo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, tính đến hết tháng 9/2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Pháp vào Việt Nam là 469 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,43 tỷ USD, xếp thứ 16/116 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tính đến tháng 9/2016, Pháp đầu tư vào vùng 22 dự án, tổng vốn đăng ký gần 115 triệu USD; trong đó, thành phố Cần Thơ có sáu dự án với tổng vốn đầu tư 6,3 triệu USD.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn 40% sản lượng nông nghiệp toàn quốc; trong đó, sản phẩm chính của vùng là lúa chiếm 56% sản lượng cả nước, thủy sản chiếm 57% sản lượng của nước... Vùng hình thành một số chuỗi giá trị xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, như: lúa gạo, cá tra, tôm...

Tại hội nghị, ông Lam cũng đã cung cấp, giới thiệu cho các doanh nghiệp Pháp tám điểm mới đáng đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai như vùng có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ; môi trường đầu tư lý tưởng; kết nối giao thông trực tiếp và cơ sở hạ tầng hoàn hảo; vùng có 17 triệu người tiêu dùng; có lực lượng lao động hùng hậu và các tiêu chuẩn xã hội cao; có ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ; vùng có cơ hội phát triển rộng mở; đặc biệt biến đổi khí hậu được coi như một cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khu vực.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nicolas Du Pasquier - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam - cho biết trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam và đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, đây chính là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Pháp có thể chia sẽ nhiều kinh nghiệm cho các tỉnh, thành trong vùng.

Ông Nicolas Du Pasquier cũng cho biết y tế là thế mạnh của Pháp và doanh nghiệp Pháp cũng đã chào bán nhiều thiết bị y tế và sản phẩm dược cho các bệnh viện Cần Thơ và khu vực; ở lĩnh vực nông nghiệp, Pháp cũng là quốc gia nổi tiếng về nền nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp và từ lâu CIRAD - một viện nghiên cứu của Pháp tại Việt Nam, đã giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu giúp nuôi cá da trơn sinh sản hiệu quả, từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nuôi cá da trơn thành công trên thế giới.

Ông Nicolas Du Pasquier cam kết thời gian tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam luôn đồng hành với các doanh nghiệp và các địa phương của Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại song phương, nhất là khi Pháp và Việt Nam đang chuẩn bị phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, một hiệp định cho hai nước rất nhiều cơ hội hợp tác phía trước./.

THANH SANG
TTXVN/VIETNAM+

    Tổng số lượt xem: 1268
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)