(MPI) - Ngày 12/9/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn Kết quả rà soát mục tiêu phát triển bền vững số 16. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức trong nước, quốc tế và các chuyên gia.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (LHQ) được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Hoa Kỳ. Chương trình đưa ra tầm nhìn phát triển 15 năm tới với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 169 mục tiêu cụ thể định hướng phương thức thực hiện và các quan hệ đối tác toàn cầu, các hành động tiếp nối. Mỗi quốc gia sẽ đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của quốc gia đó đồng thời quyết định cách thức thực hiện và lồng ghép những chỉ tiêu phát triển bền vững vào quá trình xây dựng và lập kế hoạch phát triển của quốc gia cũng như trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của quốc gia đó.
Tại Hội nghị này, Việt Nam khẳng định ủng hộ và cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, đóng góp có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của toàn cầu để phát triển bền vững. Từ đó đề xuất các mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp, khả thi với Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Kết quả rà soát bước đầu về mục tiêu phát triển bền vững số 16 với mục tiêu thúc đẩy các xã hội hòa bình và có tính bao trùm vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và toàn diện ở mọi cấp độ.
Mục tiêu phát triển bền vững số 16 gồm 12 mục tiêu cụ thể: (1) Giảm đáng kể tất cả các hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan đến bạo lực ở mọi nơi; (2) Chấm dứt sự lạm dụng, khai thác, buôn người và tất cả các loại hình bạo lực và cưỡng bức trẻ em; (3) Tăng cường chế độ pháp quyền ở cấp quốc gia và quốc tế, bảo đảm tiếp cận công lý bình đẳng cho tất cả mọi người; (4) Đến năm 2030, giảm đáng kể các luồng vũ khí và tài chính không minh bạch, tăng cường phục hồi và hoàn trả tài sản bị đánh cắp và đấu tranh với tất cả các loại hình tội phạm có tổ chức; (5) Giảm mạnh tất cả các hình thức tham nhũng và hối lộ; (6) Xây dựng các thể chế minh bạch, hiệu quả và có tính giải trình ở tất cả các cấp; (7) Đảm bảo quá trình ra quyết định mang tính phản hồi, bao trùm xã hội, có sự tham gia và đại diện ở tất cả các cấp; (8) Mở rộng và tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển trong các thể chế quản trị toàn cầu; (9) Đến năm 2030, cấp nhận dạng pháp lý cho tất cả mọi người, gồm cả việc khai sinh; (10) Bảo đảm sự tiếp cận thông tin của người dân và bảo vệ các quyền tự do cơ bản phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế; (11) Tăng cường các thể chế quốc gia phù hợp, bao gồm cả việc thông qua hợp tác quốc tế, để xây dựng năng lực ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, để ngăn chặn bạo lực, chống khủng bố và tội phạm; (12) Khuyến khích và bắt buộc thực thi các chính sách và luật không phân biệt đối xử vì sự phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các mục tiêu phát triển bền vững khả thi phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra. Đồng thời đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư