So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 1,7%; giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp 1; sản xuất nông nghiệp tập trung chăm sóc lúa mùa, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp tháng 8 là tập trung chăm sóc lúa mùa, điều tra phát hiện và tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ mùa, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
1.1. Trồng trọt
Tính đến ngày 15 tháng 8 năm 2016, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 68.524 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,8% (-561 ha); trong đó diện tích gieo cấy lúa ước đạt 60.358 ha, giảm 0,9%; cây hàng năm khác ước đạt 8.166 ha, giảm 0,3%.
Hầu hết diện tích lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất; do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nông dân đã tích cực hưởng ứng phong trào gieo cấy tập trung, cùng giống, cùng thời gian. Nhiều địa phương hình thành thêm nhiều vùng sản xuất tập chung, diện tích lúa chất lương cao được duy trì, mở rộng.
Do ảnh hưởng của bão số 1, làm ngập úng cục bộ khoảng 4.000 ha lúa, song đã được các địa phương chỉ đạo chống úng kịp thời. Hiện nay, lúa mùa đang sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, tiến độ sinh trưởng và phân hóa đòng cơ bản không chậm hơn so với trung bình hàng năm. Diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn là 300 ha, sâu cuốn lá nhỏ 120 ha thấp hơn so với vụ mùa năm trước; riêng sâu đục thân 600 ha, cao hơn so với vụ mùa năm trước.
Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác ước đạt 8.166 ha, trong đó rau các loại ước đạt 6.418 ha. Rau màu hè thu năm nay sinh trưởng, phát triển tương đối thuận lợi hơn mọi năm.
1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kết hợp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin.
Tổng đàn trâu của toàn tỉnh ước đạt 4.890 con, tăng 0,3%; đàn bò ước đạt 21.345 con, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn ước đạt 593.396 con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm ước đạt 9.427 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (đàn gà ước đạt 7.298 nghìn con, tăng 2,8%).
1.3. Lâm nghiệp
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục đóng cửa rừng không cho khai thác, nên trong tháng 8 không có sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên và rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác chủ yếu từ cây trồng phân tán. Từ đầu năm 2016, toàn tỉnh có 190 ha diện tích rừng phòng hộ được trồng mới, tăng 155 ha so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh có 50 ha diện tích rừng trồng được chăm sóc, 100 ha diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh, toàn bộ diện tích rừng này đều nằm trong Dự án 661; trên 6.000 ha rừng trồng được giao khoán bảo vệ. Mặc dù thời tiết nắng nóng nguy cơ gây cháy rừng cao, nhưng do công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đáng kể.
1.4. Thuỷ sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng vẫn duy trì ổn định và phát triển, công tác quản lý môi trường ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản được duy trì thường xuyên.
Giá cá thương phẩm ổn định ở mức khá cao, người nuôi cá có lãi, đây là yếu tố thuận lợi khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển thủy sản. Trong tháng thời tiết khá thuận lợi, số giờ nắng trung bình trong ngày cao, có mưa rào là điều kiện tốt cho sinh trưởng và phát triển của cá; vì vậy, việc thu hoạch cá thương phẩm và thả giống nuôi vụ mới không gặp khó khăn. Nuôi cá lồng trên sông phát triển mạnh so với cùng kỳ, với các giống cá chất lượng cao như diêu hồng, rô phi đơn tính, cá lăng, trắm cỏ và cá chép nuôi giòn...
2. Công nghiệp
So với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 1,7%; giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp 1. Giảm nhiều nhất là ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải (-32,5%); tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà (-6,0%); và ngành khai khoáng (-2,1%); ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất có mức giảm nhẹ (-0,4%).
Do yếu tố mùa vụ, thời tiết đang chuyển sang thu, trong tháng có mưa nhiều nên nhu cầu tiêu dùng về nước sinh hoạt và điện năng giảm làm cho sản lượng sản xuất của 2 ngành này cũng giảm đáng kể với lượng nước cung cấp giảm 3,3%; điện sản xuất giảm 7,1%; điện thương phẩm giảm 5,2%.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 7,9%. Trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện, khí dốt, nước nóng, hơi nước, và điều hòa không khí tăng 6,2%; riêng cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,9%; công nghiệp khai khoáng giảm 24,1%.
3. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn
Ước tháng 8 năm 2016, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 217,7 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 7, có 13 dự án đầu tư được cấp phép, số vốn đăng ký 68,5 triệu USD. Các dự án được cấp phép chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp với 10 dự án, vốn đăng ký 61,3 triệu USD; còn lại 3 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, kinh doanh bất động sản. Dự kiến trong tháng 8 không có dự án nào được cấp phép mới.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn đến hết tháng 8 ước đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 5.614,6 tỷ đồng, tăng 4,6%; thu qua hải quan 1.215,2 tỷ đồng, giảm 3,5%.
Tổng chi NSNN từ đầu năm đến ngày 15/8 ước đạt 9.068,5 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chi đầu tư phát triển 1.541,2 tỷ đồng, giảm 8,0%; chi thường xuyên 7.521,7 tỷ đồng, tăng 8,8%.
5. Thương mại, giá cả, dịch vụ
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước đạt 26.861,8 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.
Phân theo ngành kinh tế, so với cùng kỳ năm trước doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng ước tăng 9,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tăng 2,4%; doanh thu dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước giảm 0,7%; doanh thu dịch vụ khác ước tăng 3,4%.
5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
Trị giá hàng hóa xuất khẩu 8 tháng ước đạt 2.761,7 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng khá cao, tăng so với cùng kỳ là: hàng dệt may tăng 5,7%; máy vi tính, SP điện tử và linh kiện tăng 8,3%. Bên cạnh đó, các sản phẩm đá quý, kim loại quý giảm 15,4%; giày dép các loại giảm 0,3% với so cùng kỳ.
Trị giá hàng hóa nhập khẩu 8 tháng ước đạt 2.374,6 triệu USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, tăng so với cùng kỳ, gồm: nguyên phụ liệu may, da giày tăng 47,8%; điện tử và linh kiện điện tử tăng 34,3%; linh kiện và phụ tùng ô tô các loại tăng 3,5%.
5.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước, giảm 0,23% (giảm đồng đều ở cả thành thị và nông thôn); so với tháng 12 năm trước tăng 2,23%; bình quân 8 tháng so với cùng kỳ tăng 1,9%.
Nguyên nhân làm cho chỉ số tháng này giảm nhẹ chủ yếu là do nhóm hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, xăng dầu giảm. Riêng nhóm hàng lương thực tháng này giảm 2,38% so với tháng trước, giảm mạnh là do vừa thu hoạch xong vụ chiêm, năng suất cao và nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, từ 01/8 giá ga đun giảm 4.000-5.000đ/bình 12 kg; tính bình quân so với tháng trước giảm 9.420đồng/bình. Giá xăng dầu giảm do điều chỉnh 02 lần (ngày 20/7 và ngày 04/8); giảm bình quân từ 69-969 đồng/lít tùy từng loại cụ thể.
6. Thiệt hại do thiên tai
Bão số 1 (đêm ngày 27/7 đến ngày 28/7) gây ra mưa to, gió lớn trên diện rộng; lượng mưa trung bình từ 50 – 100 mm, sức gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 7. Trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại nặng về sản xuất kinh doanh và nhà ở. Diện tích lúa bị ngập, bị hư hỏng 8.702 ha; hoa màu bị ngập, bị hư hỏng 1.195 ha. Toàn tỉnh có 45 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái. Ước tính tổng giá trị thiệt hại của bão số 1 là 20.048 triệu đồng.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 - Nida, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa, giông mà đỉnh điểm là trận lốc xoáy vào rạng sáng ngày 03/8 với cường độ mạnh, gây hư hại lớn đến nhà cửa, diện tích hoa màu của địa phương và lưới điện của ngành điện: khoảng 154 ha rau màu bị ngập úng; 11 ha cây ăn quả bị gãy, đổ; 88 nhà dân bị tốc mái, 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn làm 01 người bị thương; 5 trường học bị tốc mái; 732 m2 chuồng trại bị tốc mái làm chết 300 con gà; 4 cột điện cao thế, 24 cột điện hạ thế bị đổ, 2 cột điện hạ thế bị nghiêng.
Bão số 3 (ngày 19/8) làm cho các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nhờ chủ động bơm gạn tháo hạ thấp mực nước trong các sông trục kết hợp với việc tháo nước mặt ruộng nên tình trạng ngập úng đã được hạn chế tối đa. Diện tích lúa và rau màu bị ngập úng xảy ra ở một số địa phương Tứ Kỳ (60 ha), Cẩm Giàng (55 ha), thị xã Chí Linh (30 ha)... nhưng đã được khắc phục ngay sau đó./.