(MPI) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các sản phẩm của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai ở Việt Nam là cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại, khoản vay ưu đãi (IDA) và các khoản vay kém ưu đãi hơn (IBRD); Tư vấn chính sách và điều phối viện trợ; Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân (IFC); Bảo lãnh, bảo hiểm đầu tư của MIGA.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim công bố Báo cáo Việt Nam 2035 ngày 23/02/2016 tại Hà Nội. Ảnh: MPI |
Tổng vốn WB Việt Nam tiếp nhận cho tới nay khoảng 22 tỷ USD, mức cam kết của WB cho Việt Nam đều tăng dần qua từng năm, từ mức trung bình khoảng 300-500 triệu USD/năm trong những thời kỳ đầu lên đến mức trung bình khoảng 1-1,2 tỷ USD tính từ tài khóa 2007 đến nay. Giai đoạn 2014-2017 (IDA17), WB đã phân bổ cho Việt Nam khoảng 3,8 tỷ USD từ nguồn IDA và 700 triệu USD/năm từ nguồn IBRD.
Hiện WB có 47 dự án đang triển khai tại Việt Nam với tổng vốn 9,317 tỷ USD, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giao thông (21,7%), cấp nước (20,5%), phát triển đô thị và nông thôn (19%), năng lượng (16,6%), giáo dục (6,5%), y tế (5,3%)…
Giải ngân đến tháng 4/2016 đạt 18,5%, cao hơn so với mức bình quân khu vực (17,9%) nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra (22%).
Theo đánh giá của WB, Việt Nam đáp ứng các tiêu chí và dự kiến sẽ được đưa vào danh sách “tốt nghiệp IDA” (tức là ngừng vay từ nguồn vốn IDA) bắt đầu tư 01/7/2017.
Ngoài việc cung cấp nguồn IDA, WB còn tăng cường cung cấp các sản phẩm mới như: các khoản bảo lãnh, bảo hiểm đầu tư của MIGA nhằm giúp huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án lớn; Các hoạt động góp vốn đầu tư của IFC nhằm phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với các thông lệ quốc tế tốt nhất. Theo chiến lược hoạt động, WB sẽ kết hợp hài hòa tất các nguồn lực từ các tổ chức trong Nhóm WB (như IDA, IBRD, IFC, MIGA) nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư tại các nước đang phát triển.
Về quan hệ đối tác, tại mỗi kỳ IDA, WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam xây dựng Chiến lược Hợp tác Quốc gia (CPS) để định hướng hoạt động tài trợ của WB cho Việt Nam phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện nay, WB đang trong quá trình xây dựng Chiến lược đối tác Quốc gia cho giai đoạn mới (2016-2020).
Về tư vấn chính sách, WB luôn đóng vai trò là nhà điều phối tài trợ của cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam. WB đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức 20 Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) nhằm vận động các nhà tài trợ cung cấp nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam. Từ năm 2013, hai bên đã nhất trí chuyển đổi Hội nghị CG thành Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) để các bên cùng đối thoại về chính sách trên tinh thần hợp tác, cởi mở và xây dựng cho phù hợp với tính chất của mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ.
Đồng thời, WB cũng đóng vai trò chủ trì và duy trì hoạt động của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Đây là diễn đàn để phía Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đối thoại chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, WB cũng tăng cường cung cấp nhiều hỗ trợ về xây dựng các báo cáo phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô, báo cáo ngành, tăng cường năng lực thể chế, đồng thời là đối tác chính, tham gia tích cực vào việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Dự kiến từ 01/7/2017, Việt Nam sẽ chuyển sang vay thuần IBRD và vốn IDA bổ sung SUF- có điều kiện vay tương tự IBRD (vốn vay ưu đãi), các dự án dự phòng tài khóa 2017-2018 chỉ sử dụng vốn vay ưu đãi. Tại vòng đàm phán IDA lần 2 tại Myanmar, WB đưa ra đề xuất Việt Nam là một trong số danh sách các nước tốt nghiệp IDA 18.
Việc sử dụng vốn vay ưu đãi đặt ra một số vấn đề như: sử dụng vốn vay ưu đãi, chỉ nên xem xét các dự án có khả năng thu hồi vốn, hiệu quả kinh tế, chủ dự án có năng lực vay và trả nợ, dự án có khả năng bố trí vốn đối ứng, sẵn sàng giải phóng mặt bằng…; Trong các dự án tài khóa 2018, một số dự án có cơ quan chủ quản là Bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng,…) không có chức năng/nguồn vay trả nợ do vậy sẽ gặp khó khăn khi triển khai do yêu cầu của Bộ Tài chính là vốn IBRD phải vay lại; Trong thời gian tới cần ưu tiên các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có tác động lan tỏa, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, đường cao tốc, dự án có khả năng thu hồi vốn hoặc dự án giúp cải cách chính sách, áp dụng phương thức quản trị mới hiệu quả.
Về giai đoạn chuyển tiếp cho các nước tốt nghiệp: Nguồn vốn và điều kiện vay nguồn vốn mới (IDA plus), có điều kiện tương tự như IBRD; Lộ trình tốt nghiệp: Hạn mức phân bổ IDA 18 bằng chu kỳ IDA 17 (khoảng 3,4 tỷ USD); Giảm xuống 2/3 trong kỳ IDA 19 (2,5 tỷ USD) và 1/3 trong kỳ IDA 20; Bắt đầu từ kỳ IDA 18 (01/7/2017) phải thực hiện Điều khoản Trả nợ nhanh./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư