(MPI) – Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tham gia và thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và cải thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
|
Hội thảo Cam kết về mua sắm chính phủ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức ngày 14/6/2016 tại Hà Nội. Ảnh: MPI
|
Theo đó, các yêu cầu, điều kiện mang tính phân biệt đối xử đối với hoạt động đầu tư được xóa bỏ. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Bảo đảm đền bù thiệt hại trong trường hợp quốc hữu hóa, trưng thu tài sản đầu tư; Đối xử bình đẳng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt độngđầu tư kinh doanh, phát triển bền vững trong ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; Tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Thỏa thuận áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo cơ chế trọng tài theo thông lệ quốc tế... Điều này đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó tác động tích cực và góp phần nâng cao sức hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định TPP, yêu cầu về minh bạch hóa chính sách đầu tư đã được cải thiện thông qua việc thể chế nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh trong Luật đầu tư. Theo đó, lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xác định cụ thể. Số lượng ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã giảm từ 51 xuống còn 6 ngành, nghề và số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng giảm từ 386 xuống còn 267 ngành, nghề. Đồng thời, các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng đã được rà soát, tập hợp và đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để tạo thuận lợi việc tra cứu và thực hiện.
Việc ban hành Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo nguyên tắc “chọn bỏ” đã góp phần bảo đảm tính minh bạch của môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp vớicam kết của Việt Nam vềmở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do khác.Điều này làm cho hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư trở nên minh bạch, các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư.
Đến nay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được đánh giá là thuận lợi, thông thoáng và minh bạch hơn. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 của Diễn đàn kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc so với năm 2014 (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140). Theo Doing Business 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư