(MPI) - Ngày 06/10/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật quy hoạch. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Tờ trình và Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội góp ý vào nội dung của dự thảo Luật này tại phiên họp thứ 3 vừa qua.
|
Toàn cảnh buổi họp Ban soạn thảo dự thảo Luật quy hoạch tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Dự thảo Luật quy hoạch được xây dựng theo quan điểm thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch trên cơ sở tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, đồng thời khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động quy hoạch. Hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; Quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; Quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể. Quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển; Đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.
Dự thảo được thiết kế gồm 6 chương và 68 điều, trong đó: Chương I: Quy định chung, gồm 11 điều. Chương II: Lập quy hoạch, gồm 14 điều. Chương III: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch, gồm 8 điều. Chương IV: Điều chỉnh quy hoạch, gồm 5 điều. Chương V: Quản lý thực hiện quy hoạch, gồm 27 điều. Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 3 điều.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội góp ý vào nội dung của dự thảo Luật quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về bố cục của dự thảo Luật quy hoạch: Gộp Chương II với Chương III thành Chương II về lập quy hoạch; gộp Chương VII về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm vào Chương V về quản lý thực hiện quy hoạch. Tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật quy hoạch được xây dựng theo hướng vừa là luật khung để điều chỉnh quy trình, trình tự, thủ tục về: Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; Vừa là luật nội dung để quy định các loại quy hoạch, quy định quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 .
Quy định rõ hệ thống quy hoạch theo cấp độ từ cao xuống thấp gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn (thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn).
Về những nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chính phủ đã tiếp thu trong dự thảo Luật quy hoạch như sau: Bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh tại Điều 4; chuyển Điều 65 về hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch thành điều về các hành vi bị cấm và đưa lên Điều 11.
Quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức lập các loại quy hoạch tại Điều 14; quy định trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định quy hoạch tại Điều 26. Bổ sung thêm quy định về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch tại Điều 34;…
Báo cáo một số ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về khái niệm và hệ thống quy hoạch, Chính phủ đã thống nhất lựa chọn quy hoạch tổng thể quốc gia (Khoản 2 Điều 3) và hệ thống quy hoạch (Điều 12) bao gồm các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã. Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, mang tính định hướng, dự báo và phát triển bền vững. Tính pháp lý cao của quy hoạch tổng thể quốc gia là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên toàn bộ không gian và vùng lãnh thổ cả nước, là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Đồng thời tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bố nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Luật quy hoạch sẽ là một cách làm mới, làm thay đổi, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời khẳng định, một trong những cách quản lý quy hoạch của nhà nước sẽ bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Điều này sẽ hạn chế tình trạng “xin-cho” đang diễn ra. Việc quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được thực hiện theo phương pháp tích hợp.
Luật Quy hoạch được ban hành sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 trong vai trò quản lý nhà nước về kinh tế. Với những quy định trong Luật quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Việc phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường không những tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội mà còn thúc đẩy việc huy động nguồn lực của xã hội phục vụ đầu tư phát triển từ đó giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững. Luật quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương và giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, với việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay trong Luật quy hoạch sẽ tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh để cùng với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.
Theo dự kiến, dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư