(MPI) – Ngày 28/10/2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố "Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III năm 2016". Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện các Bộ, ngành.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III năm 2016 được thực hiện nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2016. Đồng thời, đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2016, phân tích yêu cầu hoàn thiện chính sách cạnh tranh ở Việt Nam và kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế và giải pháp cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm 2016 và các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng CIEM cho biết, trong bối cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm tiếp tục chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ giữa chuyển biến tích cực và thách thức, giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và xử lý các vấn đề tái cơ cấu, cũng như giữa cải cách trong nước và hội nhập. Trong bối cảnh ấy, tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, gắn với đà tăng chưa thực sự vững chắc của đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... vẫn rất đáng trân trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, bất định.
Theo Báo cáo, quý III chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhiều phục hồi, lạm phát và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực. GDP trong quý III tăng 6,62% so với cùng kỳ 2015. Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, tăng 8,1% trong quý. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng trở lại (tăng 1,48%), nhưng còn không ít khó khăn. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 7,03%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Mặc dù vậy, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng (6,7%) hầu như không khả thi. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% cho cả năm cũng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực chính sách trong quý IV.
Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2016 ước đạt 7,19%. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%. Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2016 dự báo tương ứng ở mức 8,82% và 7,44%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD trong quý IV và lũy kế đạt 4,8 tỷ USD cho cả năm 2016. CPI tiếp tục tăng, dự báo ở mức 1,47% trong quý IV.
Báo cáo cũng phân tích yêu cầu hoàn thiện chính sách cạnh tranh ở Việt Nam. Việt Nam đã có Luật cạnh tranh từ năm 2005, tuy nhiên chưa có một chính sách cạnh toàn diện và hiệu quả, chưa quan tâm đầy đủ đến xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật về trật tự thị trường, trong đó nền tảng là vấn đề cạnh tranh bình đẳng. Báo cáo đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả, bao gồm: Nhà nước cần thay đổi vai trò theo hướng chuyển từ can thiệp, điều khiển trực tiếp sang hỗ trợ và định hướng gián tiếp; Sửa Luật cạnh tranh theo hướng làm rõ các quy định pháp luật, giảm các trường hợp ngoại lệ và tăng các hình thức chế tài để đảm bảo tính răn đe; Triển khai mạnh mẽ chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm thiểu phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị và đảm bảo cạnh tranh; Đẩy mạnh cải cách thể chế, tự do hóa kinh doanh, thúc đẩy ra nhập thị trường, tăng cạnh tranh; Chuẩn bị các điều kiện về pháp lý và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Thảo luận tại Hội thảo các chuyên gia kinh tế đều đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Quý III cao hơn, lạm phát và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực. Chính phủ mới đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới cải thiện khả năng cạnh tranh và năng suất lao động trong trung và dài hạn. Định hướng hội nhập quốc tế được cụ thể hóa theo hướng ưu tiên thực hiện hiệu quả kinh tế quốc tế gắn với một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách vi mô có phần chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là các phương diện như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Khung chính sách mới cho huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, trong đó Nhà nước giữ vai trò “trung tính” và ít “trực tiếp” hơn, chậm được hình thành. Trong khi đó, các mục tiêu trung gian của chính sách kinh tế vĩ mô còn khá nhiều và đôi khi thiếu nhất quán, khiến hiệu quả chính sách phụ thuộc chủ yếu vào mức độ linh hoạt và khả năng “xoay xở” của các cơ quan hữu trách tại một số thời điểm./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư