(MPI) – Ngày 31/10/2016, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học “Lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành có liên quan và các chuyên gia kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là việc rất cần thiết nhằm giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tham gia, ủng hộ các sáng kiến và nội dung tăng trưởng xanh trên các diễn đàn khu vực, cũng như trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc lồng ghép các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được kết quả cao.
Về Lồng ghép mục tiêu xanh hóa sản xuất vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, mục tiêu của nghiên cứu nhằm hướng đến việc đảm bảo các Chiến lược 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm cấp tỉnh giai đoạn sau năm 2020 là những Chiến lược/Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội xanh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đề xuất mục tiêu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cấp tỉnh; Đề xuất chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 cấp tỉnh; Đề xuất giải pháp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cấp tỉnh tới năm 2020. Để đạt được những mục tiêu trên, ngân sách nhà nước phải phân bổ cho chương trình mục tiêu về thực hiện Tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh và ban hành hướng dẫn về việc lồng ghép. Đồng thời, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các tỉnh về tầm quan trọng của thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đối với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Kết quả nghiên cứu về Lồng ghép mục tiêu xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh được trình bày tại Hội thảo cũng cho thấy, do điều kiện kinh tế, thói quen sinh hoạt, mật độ dân số giữa nông thôn và thành thị khác nhau nên nội dung xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững giữa nông thôn và thành thị khác nhau. Một số vấn đề cấp bách trong nội dung xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đưa ra là ô nhiễm không khí khói bụi, nước thải sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt, nước thải và chất thải rắn y tế, không gian xanh.
Đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện các chỉ tiêu lối sống xanh trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhóm nghiên cứu cho rằng, ngoài các giải pháp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, cần thực hiện một số giải pháp về diện tích cây xanh; Diện tích mặt nước; Chất lượng không khí khói bụi; Thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị; Thu gom và xử lý nước thải đô thị; Về xử lý nước thải và rác thải y tế; Rác thải sinh hoạt nông thôn; Nước thải sinh hoạt nông thôn; Chi tiêu công xanh.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất với các Bộ, ngành về Quy định kiểm soát đối với niên hạn của xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ và xe gắn máy; Tiêu chuẩn khí thải đối với xe lưu hành trong tương lai và có lộ trình áp dụng rõ ràng; Quy định về tiêu chí xác định chi tiêu công xanh; Hướng dẫn lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Quy định kiểm soát chất lượng không khí.
Trong phiên thảo luận tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều đồng tình với phương pháp tiếp cận của báo cáo và đánh giá báo cáo chứa đựng nhiều thông tin và có số liệu cụ thể. Các đại biểu cho rằng các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng môi trường, mức độ ô nhiễm, nhất là phát thải khí nhà kính để cải thiện tình hình. Xây dựng thói quen sinh hoạt và xử lý rác thải triệt để xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất xanh và lối sống phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, có phương án phù hợp, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng, phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, nên triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh ở chính quyền cấp tỉnh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư