Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/10/2016-16:06:00 PM
Tọa đàm giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thành phố Hamamatsu, Nhật Bản
(MPI) – Ngày 19/10/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thành phố Hamamatsu, Nhật Bản.

Ông Hanai Kazuo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hamamatsu
phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hanai Kazuo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hamamatsu cho biết, Hamamatsu hiện có 30 doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đều mong muốn tiếp tục triển khai các hoạt động đầu tư khác và trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Qua chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Đoàn quan tâm tìm hiểu về các lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư, những điểm lưu ý khi đầu tư vào Việt Nam và việc nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng tại Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chào mừng các lãnh đạo và đoàn doanh nghiệp của thành phố Hamamatsu đến tham dự Tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng tốt đẹp trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa nhưng đầu tư của Nhật Bản sang Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ giữa hai nước. Nhật Bản hiện đang đầu tư ra nước ngoài khoảng 4.000 tỷ USD nhưng đầu tư vào Việt Nam có 42 tỷ USD, chiếm 1%.

Tuy nhiên, theo tổng hợp từ các nhà nghiên cứu, đánh giá của các tập đoàn về môi trường đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam có nền chính trị ổn định, dân số trẻ, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, chiếm 60%, chi phí đầu cho sản xuất thấp. Việt Nam có vị trí nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và luôn cải cách, sửa đổi chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất. Đặc biệt, Việt Nam – Nhật Bản có nền văn hóa tương đồng và mối quan hệ ngày càng tốt đẹp. Các đánh giá này cũng trùng khớp với đánh giá của Ủy ban Mê Kông với 3 yếu tố cơ bản: có chính trị ổn định, có dân số trẻ, Nhật Bản – Việt Nam có quan hệ tốt đẹp.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Tọa đàm, trao đổi về vấn đề nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, đại diện Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tiêu chí, tiêu chuẩn đối với thiết bị đã qua sử dụng đã được quy định rõ tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia/Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc tiêu chuẩn các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, căn cứ theo Điều 6, Khoản 2 của Thông tin có quy định theo hướng rất mở, như: nếu trong hồ sơ dự án đầu tư có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư thì không phải áp dụng yêu cầu về tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng về bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để có phương án xử lý nhất quán, thống nhất đối với các trường hợp doanh nghiệp nhập thiết bị đã qua sử dụng vào mục đích đầu tư dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn của lãnh đạo và đoàn doanh nghiệp thành phố Hamamatsu. Chính phủ Việt Nam xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này.

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên áp dụng khoa học-kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Việt Nam rất cần thu hút đầu tư của các tập đoàn có công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào 6 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Ngoài ra, Việt Nam cũng khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp chất lượng cao. Thứ trưởng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp thành phố Hamamatsu về trình độ khoa học công nghệ, năng lực tài chính, kỹ năng quản lý và mong muốn các doanh nghiệp của thành phố tăng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực có thế mạnh như phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là công nghệ hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất nhạc cụ, may mặc,…

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2007
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)