Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/11/2016-08:58:00 AM
Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Tác động của yếu tố môi trường
(MPI) – Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” diễn ra ngày 18/11/2016, tại Hà Nội, đại diện Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày về nội dung dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Tác động của yếu tố môi trường.

Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia Đặng Đức Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với những tác động tích cực do các hiệp định thương mại, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đứng trước những thách thức và áp lực không nhỏ do tác động của yếu tố thời tiết và ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển. Dự báo trung bình giai đoạn 2016 – 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn.

Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn tới với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh. Khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ, là động lực chính cho sự phục hồi toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ sẽ duy trì ở mức tăng trưởng vừa phải trong khi tăng trưởng của khu vực nông nghiệp có thể tăng trưởng chậm do tác động của biến đổi khí hậu cũng như chưa có những giải pháp đột phá giúp chuyển dịch cơ cấu hiệu quả.

Cùng với khả năng phục hồi của nền kinh tế trong nước và hội nhập tích cực vào kinh tế quốc tế, các dòng vốn dự báo tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vốn khu vực tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước; Vốn đầu tư phát triển khu vực tư nhân; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Vốn đầu tư gián tiếp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng bị đe dọa do chịu tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia, và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng 0,50 C. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam. Lượng mưa hằng năm có xu hướng giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Đồng thời, những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn.

Để hạn chế bớt những tác động tiêu cực của yếu tố môi trường đến tăng trưởng, Báo cáo đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu và ngăn chặn đến mức thấp nhất tác động ô nhiễm như: Tái cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp. Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Tăng cường giám sát sa thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp, kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép, xử lý nghiêm, kịp thời các vị phạm môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả giữa các mặt phát triển, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thực tế.

Xây dựng cơ chế cụ thể khuyến khích và huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1777
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)