(MPI) - Nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 15/11/2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp máy nông nghiệp ở Việt Nam: Kinh nghiệm của Nhật Bản, bài học và cơ hội hợp tác”. Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ các Bộ, ngành có liên quan và các chuyên gia kinh tế.
Hội thảo là nơi để các đối tác trong lĩnh vực máy nông nghiệp trao đổi, thảo luận chi tiết những thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, bất cập trong phát triển công nghiệp máy nông nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, đây cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận về những chính sách hiện nay liên quan đến phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1342/QĐ-TTg, ngày 12/8/2014.
Tại Hội thảo, đánh giá về việc đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp một số khâu, một số loại cây trồng đã phát triển nhanh. Mức độ cơ giới hóa cao, đồng bộ tập trung ở các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở có diện tích sản xuất tập trung, tương đối lớn và có vốn đầu tư. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện, so với các nước trong khu vực thì mức độ trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp.
Về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, công tác “dồn điền đổi thửa” bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, số thửa bình quân từ 6-8 thửa/hộ giảm xuống còn 3-4 thửa/hộ. Hầu hết các máy nông nghiệp công suất vừa và nhỏ đáp ứng phục vụ cho đối tượng này. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, bấp bênh, khả năng tích luỹ để đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Để ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xác định lĩnh vực chế tạo cơ khí ưu tiên phát triển, tập trung đầu tư vào các ngành có nhu cầu và lợi thế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của sản xuất trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp phải chú ý tới tính đặc thù của đối tượng sử dụng để gắn kết hài hòa giữa chính sách thúc đẩy cơ khí chế tạo máy nông nghiệp với chính sách kích cầu, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, dịch vụ ở nông thôn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hướng đến bảo hộ các thiết bị đã sản xuất trong nước và các thiết bị là sản phẩm chủ lực, sản phẩm ưu tiên phục vụ đắc lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp; Xây dựng và đổi mới, vận hành hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển, nhất là khuyến khích đầu tư và tiếp cận nguồn vốn vay; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, nâng cao năng lực của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp, tạo tiền đề phát triển cơ giới hóa và chế biến nông lâm thủy sản...
Một số định hướng đổi mới chính sách trong thời gian tới cũng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo như: Thay đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp, không qua các tầng nấc trung gian và nâng mức hỗ trợ cao hơn so với các quy định hiện hành với thời gian trung hạn và dài hạn; Tham khảo Luật thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp của Nhật Bản để xây dựng Nghị định về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, tiến tới xây dựng Luật thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam; Ưu tiên vận hành Quỹ phát triển khoa học công nghệ Quốc gia đối với lĩnh vực chế tạo máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; Tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo lại; Ban hành những hàng rào kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hàng kém phẩm chất nhập khẩu…/.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư