Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2016-11:36:00 AM
Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương 2016: Hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 24/11/2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Kinh tế Nhật Bản (JEF) tổ chức Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương 2016 (APF): Hướng tới tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

APF là sự kiện thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. APF 2016 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều biến đổi, ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập khu vực. Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, học giả đến từ Việt Nam và nhiều nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cùng trao đổi, tìm ra nguyên nhân, các vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập khu vực.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế là hai quá trình song hành không thể thiếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi của người dân. Việt Nam bắt đầu hội nhập bằng việc gia nhập ASEAN năm 1995, tham gia các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác, ký kết hiệp định thương mại với Hoa Kỳ năm 2001, tham gia WTO năm 2007… Hiện nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia và đàm phán hàng chục hiệp định thương mại với các quốc gia, đối tác hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những khó khăn kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, việc gia nhập WTO không đi cùng những cải cách kinh tế trong nước, dẫn đến sự chia cách rõ nét giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa thành thị và nông thôn. Cơ hội WTO mang lại chủ yếu tận dụng được bởi các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khu vực kinh tế trong nước phát triển còn chậm.

Trước tình hình đó, ngày 01/11/2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngày 08/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đó là những nỗ lực, cam kết chính trị, sự đồng thuận thúc đẩy cải cách, định hướng thị trường trong nước mạnh mẽ, giải quyết các vấn đề căn bản của nền kinh tế và tiếp tục nhất quán hội nhập kinh tế sâu rộng để phục hồi động lực tăng trưởng toàn diện.

Hội nhập kinh tế là hoạt động tất yếu và Diễn đàn APF 2016 là cơ hội tốt giúp Việt Nam nhận diện những xu thế, hiện tượng, cách thức mới để hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng đạt hiệu quả cao, đồng thời đưa ra giải pháp cho việc hội nhập, thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước.

Ông Kazumasa Kusaka, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JEF phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Ông Kazumasa Kusaka, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành JEF cho biết, APF 2016 là diễn đàn lần thứ 15, trong đó bao gồm nhiều cuộc thảo luận bên trong và bên ngoài biên giới về môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tiềm năng tăng trưởng trong nước cũng như của khu vực. Các hiệp định thương mại tự do, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng EU hay Hiệp định TPP… khẳng định nhiệm vụ khó khăn nhất không phải là việc đàm phán với các nước đối tác mà chính là sự ủng hộ, nỗ lực từ cộng đồng trong nước. Thách thức đặt ra cho mỗi quốc gia khi tham gia hội nhập là phải cải thiện sự ổn định về chính trị - xã hội bằng cách nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về lợi ích của việc tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần hỗ trợ cho các cuộc cải cách, tái cơ cấu kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội. Sự hợp tác để đưa các thỏa thuận thương mại đi vào thực thi, phát triển là điều cần thiết định hướng cho chiến lược tăng trưởng kinh tế khu vực đạt được thành công. Do vậy, ông Kazumasa Kusaka tin rằng, APF 2016 sẽ tăng cường hơn nữa sự gắn kết trong khu vực và đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững và hội nhập kinh tế khu vực.

Các đại biểu tham gia APF 2016 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Diễn đàn, các đại biểu được nghe các bài tham luận về vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm việc tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ, việc kết nối tiếp cận các cơ hội mới và giảm chi phí giao dịch, hợp tác để hoàn thiện năng lực thể chế và nhân lực để khai thác hiệu quả các cơ hội và nâng cao hiệu quả phục hồi, hướng tới mục tiêu thịnh vượng, tăng trưởng toàn diện, bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong đó xác định các xu hướng chính trong 20 năm tới (theo Báo cáo Việt Nam 2035) bao gồm: Một thế giới đa cực, áp lực địa chính trị và tầng lớp trung lưu; Già hóa dân số, đô thị hóa; Trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, năng lượng mới, công nghệ sinh học; Các siêu FTA (TPP, TIIP, RCEP, FTAAP), cải cách thể chế ở tầm khu vực và toàn cầu; Cạnh tranh nguồn lực và biến đổi khí hậu; Châu Á đang nổi lên (Trung Quốc, Ấn Độ); Sự thống trị của đồng USD đang dần suy giảm. Qua đó đặt ra tầm nhìn hội nhập của ASEAN tới 2025 gồm 5 trụ cột: Một nền kinh tế hội nhập và cố kết ở mức cao; Một ASEAN cạnh tranh, sáng tạo và năng động; Tăng cường kết nối và hợp tác ngành; Một ASEAN có khả năng phục hồi, bao trùm, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; Một ASEAN toàn cầu.

Diễn đàn có 3 phiên họp đã thu hút sự tham gia thảo luận, góp ý của các đại biểu với các nội dung: Lộ trình hội nhập kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – Những vấn đề cần quan tâm; Những vấn đề mới trong tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực; Gắn kết thương mại với cải cách trong nước – Tạo sự đồng thuận vững chắc hướng tới tăng trưởng kinh tế./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3161
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)