(MPI) – Ngày 30/11/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp tham vấn dự thảo Khuôn khổ Hợp tác quốc gia (CPF) của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với Việt Nam giai đoạn tài khóa 2017-2022 do ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại chủ trì. Tham dự buổi họp có các nhà tư vấn, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tại buổi họp, đại diện WB trình bày mục tiêu của Nhóm WB và quy trình xây dựng kế hoạch chiến lược, đề xuất ưu tiên của Khuôn khổ Hợp tác quốc gia của Nhóm WB cho giai đoạn 2017-2022. Trong đó, 3 mục tiêu chiến lược được Nhóm WB xác định là: Tới năm 2030 xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực (giảm tỷ lệ nghèo đói toàn cầu xuống dưới 3%); Đẩy mạnh chia sẻ thịnh vượng, tối đa hóa phúc lợi cho nhóm 40% thu nhập thấp nhất; Phát triển bền vững, đảm bảo bền vững về tài chính, xã hội, môi trường cho nhiều thế hệ.
Theo đó CPF sẽ dự án hóa các mục tiêu chiến lược tại Việt Nam, xác định những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình hướng tới các mục tiêu chiến lược của Nhóm WB, đảm bảo yếu tố chọn lọc và tập trung tạo ra những thay đổi chính thông qua các cam kết của WB với Việt Nam. Dựa trên Báo cáo đánh giá quốc gia năm 2016 của Nhóm WB, Báo cáo Việt Nam 2035 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 của Chính phủ Việt Nam, đồng thời tổng hợp những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ, gắn kết các nguồn lực, thế mạnh, chuyên môn của WB và khả năng hỗ trợ cho các đối tác khác, CPF sẽ định hướng các chương trình hoạt động của Nhóm WB tại Việt Nam trong giai đoạn tài khóa 2017-2022.
|
Bà Cia Sjetnan, chuyên gia tư vấn của Nhóm WB trình bày dự thảo đề cương CPF.
Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Kết cấu của CPF bao gồm 3 lĩnh vực trọng tâm: (1) Đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, củng cố quản lý nền kinh tế và các định chế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả và phục vụ sản xuất, hỗ trợ tiến trình chuyển đổi thành thị - nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nền nông nghiệp; (2) Đầu tư vào nguồn nhân lực và tri thức, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo năng lực, đảm bảo phúc lợi xã hội và y tế chất lượng với chi phí có thể chi trả, nâng cao cơ hội cho các nhóm dễ bị tổn thương và đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới; (3) Phát triển bền vững về môi trường và nâng cao khả năng ứng phó, sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả, phòng tránh tình trạng thiếu nước và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng điện, giảm thiểu ô nhiễm và hậu quả thiên tai.
Trong đó, Nhóm WB đề xuất lĩnh vực xuyên suốt là quản lý nhà nước, bao gồm các mục tiêu nâng cao hiệu quả giữa nhà nước và các thể chế thị trường, đẩy mạnh quản lý ở cấp ngành, chú trọng xây dựng các thể chế có năng lực, chức năng điều phối, trách nhiệm giải trình ở cấp ngành và địa phương, cải thiện thể chế và hệ thống nhằm tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lên một số ý kiến góp ý, bổ sung cho Dự thảo như: Trong đổi mới mô hình tăng trưởng cần chú trọng hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh tranh, năng lượng tái tạo; Đảm bảo phát triển đồng bộ 10 lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Lồng ghép Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 vào Dự thảo; Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng; Hỗ trợ xây dựng chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế; Hỗ trợ nâng cấp hệ thống đấu thầu qua mạng và triển khai đào tạo cấp chứng chỉ…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Vụ trưởng Lưu Quang Khánh đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Nhóm WB thể hiện qua dự thảo đề cương CPF và cho biết, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn của nền kinh tế, bao gồm khả năng tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, những tác động của biến đổi khí hậu, sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngày 01/7/2017, Việt Nam sẽ tốt nghiệp IDA, khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi ngày càng khó. Do vậy, đề cương CPF cần chọn ra những điểm nhấn trong số các lĩnh vực trọng tâm và đưa ra lộ trình hỗ trợ giúp Việt Nam tiếp cận các khoản vay của WB và cộng đồng quốc tế. WB cần giúp Việt Nam xây dựng chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, tạo động lực phát triển khu vực tư nhân.
Chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp giữa các Bộ, ban, ngành với Nhóm WB, bàn về dự thảo đề cương CPF. Dự kiến bản dự thảo đề cương số 0 sẽ được đưa ra tham vấn vào tháng 3/2017./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư