Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/12/2016-16:05:00 PM
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu làm việc với Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 30/11/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đã có buổi làm việc với Đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) do ông Alexander Feldman, Chủ tịch, Tổng Giám đốc USABC làm Trưởng đoàn.

Ông Alexander Feldman, Chủ tịch, Tổng Giám đốc USABC phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Alexander Feldman, Chủ tịch, Tổng Giám đốc USABC cho biết, thông qua buổi làm việc, Đoàn doanh nghiệp USABC mong muốn trao đổi về cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong ASEAN; Chia sẻ về những tác động của kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đến thương mại toàn cầu và khu vực Đông Nam Á từ góc độ phía doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời, trao đổi về khả năng thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chào mừng Đoàn doanh nghiệp USABC đến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao sự hợp tác của USABC trong hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, cảm ơn USABC đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các chuyến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng như phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, lũy kế đến tháng 11/2016, Hoa Kỳ đầu tư 815 dự án, vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Về đầu tư của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Việt Nam hiện có 147 dự án với tổng vốn đăng ký là 571,38 triệu USD, đứng thứ 09/68 quốc gia đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chia sẻ thông tin về tình hình và định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm 2015, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, quy mô nền kinh tế hơn 200 tỷ USD. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), có kết nối với 55 đối tác, trong đó có 7 thành viên G7 và có thể tiếp cận tự do thị trường chiếm ¾ GDP thế giới.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam được đánh giá là có nguồn lao động cạnh tranh, số lượng nhân lực trong độ tuổi lao động cao. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50,2 triệu lao động, trong đó mục tiêu đến năm 2020, mục tiêu sẽ có hơn 55 triệu lao động, tỷ lệ đã qua đào tạo hơn 70%. Về chi phí đầu tư, theo khảo sát của JETRO, Việt Nam hiện nay đứng Top 5 nước có chi phí đầu tư thấp nhất trong khu vực. Việt Nam có hệ thống 39 cảng biển và 20 sân bay lớn cùng các dịch vụ tài chính, ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp... Trong thời gian tới, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam có nhiều dự án lớn, điển hình là dự án cao tốc, đường sắt xuyên Á, hành lang Đông Tây với tổng chiều dài hơn 1.400km.

Chính phủ Việt Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư thông qua các biện pháp như: cam kết chống tham nhũng, tiêu cực, lấy doanh nghiệp làm động lực phát triển, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài theo hướng minh bạch hóa, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang hoạt động lâu dài tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi ngang mức bình quân ASEAN - 4 trong năm 2016.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế trong việc kinh doanh như: hệ thống chính sách, quy định pháp luật về đầu tư vẫn hạn chế về tính minh bạch, khiến nhiều nhà đầu tư còn lúng túng, bị động. Hệ thống tài chính còn yếu kém, hoạt động của lĩnh vực ngân hàng hiệu quả chưa cao. Quy mô thị trường nhỏ, năng suất lao động còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp...

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Alan D.Willits, Chủ tịch, Cargill Châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng của Tập đoàn Cargill. Ở Việt Nam, Tập đoàn Cargill đã thành lập công ty Cargill Việt Nam năm 1995, hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Công ty Cargill là một trong hai doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam. Liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ, Cargill Việt Nam đã giúp 1,5 triệu nông dân tiếp cận công nghệ để nâng cao năng suất. Theo Ông Alan D.Willits, không chỉ đầu tư sản xuất, Cargill Việt Nam còn đầu tư cho tương lai khi tài trợ xây dựng 78 trường học cho Việt Nam và đặt mục tiêu xây dựng 100 trường học vào năm 2020.

Về lĩnh vực chế biến nông sản và cung cấp nguyên liệu thực phẩm, ông Ian Pinner, Chủ tịch khu vực Đông Nam Á, Úc, Niu Di-lân và Giám đốc Marketing Toàn Cầu, Công ty Archer Daniels Midland (ADM) cho biết, ADM là công ty chuyên sản xuất, chế biến các loại hạt có dầu, chế biến bắp và cung cấp nguyên liệu chuyên dùng và hương liệu thực phẩm. Hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1990, ADM luôn coi Việt Nam là thị trường chiến lược trong kinh doanh và Công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất. Vui mừng trước những đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ADM cam kết sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại buổi làm việc, thảo luận về triển vọng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới, hai bên thống nhất không ngừng phát triển hơn nữa cả về chiều rộng và chiều sâu, đưa mối quan hệ hai nước thành “đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới. Cùng với đó, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng sẽ phát triển tương xứng cho dù TPP có được thông qua hay không bởi Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3392
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)