Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/12/2016-15:23:00 PM
Thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020
(MPI) - Đây là chủ đề của phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế 2017: “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 02/12/2016, tại Hà Nội. Phiên thảo luận do Phó Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu điều hành.

Các diễn giả tại phiên thảo luận Thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu cho biết, Diễn đàn là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi các vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế hiện tại và mục tiêu tái cơ cấu trong giai đoạn 2016-2020. Các nội dung được các diễn giả tập trung thảo luận gồm: Điểm mới, những kỳ vọng, thách thức của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước; Những rào cản, khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong đó có vấn đề thể chế và các giải pháp trong thời gian tới.

Thảo luận về những điểm mới trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, tái cơ cấu hay cơ cấu lại là vấn đề đã được trao đổi từ Nghị quyết Trung ương 3, khóa XI năm 2002. Đối với nghị quyết của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV về cơ cấu lại nền kinh tế khẳng định, tái cơ cấu là bước tiếp tục hoàn thiện những công việc chưa làm xong trong giai đoạn 2011-2016, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về những vấn đề lớn trong nền kinh tế.

Điểm mới nhất trong Đề án này là hoàn thiện lại hệ thống luật theo tinh thần Hiến pháp, trong đó có Luật quản lý vốn và tài sản Nhà nước, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Theo quy định của Luật đầu tư chỉ còn 4 ngành nghề kinh doanh do Nhà nước độc quyền, còn lại được phép kinh doanh. Một trong những điểm nhấn khác là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng “co lại”, như vậy, sẽ mở ra nhiều ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác được kinh doanh. Điều trọng tâm của Đề án là không khống chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu (trừ trong doanh nghiệp tổ chức tín dụng), các thành phần kinh tế khác có thể tham gia cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Chia sẻ về những rào cản, khó khăn các doanh nghiệp phải đối mặt, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mục tiêu rất quan trọng của Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ này là tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn, cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại bởi quy mô của doanh nghiệp này đang ngày càng nhỏ và hoạt động kém hiệu quả. Hiện 58% doanh nghiệp tư nhân chính thức không có thu nhập để nộp thuế, tức khoảng 42% doanh nghiệp đang có lãi để nộp thuế. Năng suất sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang giảm dần. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ nên không có lợi thế về quy mô, công nghệ. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực.

Theo điều tra của VCCI, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm được 30%, trong khi các doanh nghiệp khác tiếp cận lên tới 80%. Do vậy, cần phải có những giải pháp để tháo gỡ các cản trở cho doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải để các doanh nghiệp này có cơ hội kinh doanh và có lãi.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng. Bởi hiện tại chính sách được ban hành chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận. Trong khi đó, nếu không có các doanh nghiệp nhỏ thì không có các doanh nghiệp lớn và nếu chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn thì tạo sức ép lên doanh nghiệp nhỏ, không có động lực phát triển. Ngoài ra cũng cần cơ cấu, định vị lại từng doanh nghiệp để tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu cũng rất đồng tình rằng hiện còn nhiều ý kiến cho rằng có sự tồn tại không công bằng giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn và ngược lại. Rào cản về pháp lý cho doanh nghiệp đã làm nên thách thức trên và chắc chắn Nhà nước phải khắc phục những điều đó. Từ đó tạo ra sân chơi bình đẳng, không kể tên gọi doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước; Bản thân các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cập nhật xu thế để tồn tại và phát triển.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sỹ Hùng đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Cách thức đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”. Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng cho biết, từ năm 2011 đến tháng 9/2016 đã có 426 doanh nghiệp triển khai xong cổ phần lần đầu, trong đó chỉ có 254 doanh nghiệp bán được hết số cổ phần chiếm 60%, 172 doanh nghiệp chiếm 40% chưa bán hết cổ phần./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2027
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)