Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/01/2017-10:24:00 AM
Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam
(MPI) - Ngày 05/01/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM (trái) và ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đồng chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, vấn đề dịch vụ công ích được đề cập tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII (Nghị quyết số 04/NQ-CP) và Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó yêu cầu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu khu vực dịch vụ công ích theo hướng mở rộng, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, mức độ cải cách của khu vực dịch vụ công ích đang ít hơn các lĩnh vực khác, trong khi Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Do vậy, trong thời gian tới cần đưa ra những nghiên cứu, đề xuất để cải cách, đổi mới quản lý dịch vụ công theo hướng hiệu quả và hợp lý hơn. Đồng thời, cần mở rộng và phổ quát hoạt động cung ứng dịch vụ công ích tại đô thị gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng tính tự chủ và bảo đảm mở rộng cửa cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội cạnh tranh công bằng, từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ.

Trình bày tham luận cung ứng dịch vụ công ích trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, CIEM Nguyễn Mạnh Hải cho biết, ở các nước đã phát triển, các dịch vụ công thường bao gồm: Cung cấp điện, cung cấp nước sinh hoạt, quản lý nước thải, quân đội, ngân hàng nhà nước, an ninh nhà nước, bưu chính viễn thông, các dịch vụ khẩn cấp, bảo vệ môi trường, dịch vụ dầu khí, giáo dục, y tế, các dịch vụ xã hội, phát thanh nhà nước, thư viện công…Ở Việt Nam dịch vụ công được phân loại thành 3 loại: Dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.

Theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, sản phẩm và dịch vụ được xác định là sản phẩm, dịch vụ công ích khi đồng thời đáp ứng các điều kiện: Là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà nhà nước cần đảm bảo vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng giao kế hoạch, đấu thầu theo giá hoặc phí do nhà nước quy định

Ông Nguyễn Mạnh Hải đã đưa ra những nhận xét và vấn đề đặt ra trong cung ứng dịch vụ công ích tại đô thị Việt Nam như: Nâng cao chất lượng dịch vụ; Nâng cao tính hiệu quả, tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh và điều kiện tốt cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu, từ đó thu về những lợi ích toàn diện cho xã hội, doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng một cách hài hòa; Cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích; Nâng cao tính minh bạch, công bằng, cập nhật thông tin thường niên.

Trong khuôn khổ Hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận như: Chất lượng dịch vụ công tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam từ đánh giá của doanh nghiệp; Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Thoát nước và xử lý nước thải: Những chính sách thúc đẩy phát triển.

Dịch vụ công ích được quy định bao gồm một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh, cộng đồng như: thu gom, chế biến rác, nước thải, chiếu sáng công cộng, vườn hoa, công viên, cây xanh, bảo vệ môi trường, vận tải công cộng, cấp, thoát nước…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4136
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)